Số binh sĩ này hiện đồn trú tại Mỹ và đã được đặt trong tư thế sẵn sàng tham gia Lực lượng Phản ứng NATO nếu được kích hoạt, Guardian ngày 24/1 dẫn lời người phát ngôn Lầu Năm Góc John Kirby. Ngoài ra, lực lượng này cũng sẽ có thể hành động nếu “xảy ra các tình hình khác”, theo ông Kirby.
Mọi sự triển khai quân ở châu Âu “thật sự là để trấn an sườn phía đông của NATO” rằng Mỹ sẵn sàng trợ giúp phòng thủ các thành viên của khối này, ông Kirby cho biết. Lực lượng nói trên sẽ không được điều động tới Ukraine - quốc gia không phải thành viên NATO.
Binh lính Mỹ tham gia một cuộc tập trận chung của NATO tại Latvia, tháng 3/2021. Ảnh: New York Times. |
Lệnh cảnh giác cao độ do Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin ban hành giúp giảm số ngày cần thiết cho việc triển khai lực lượng nhưng chưa phải là lệnh triển khai lực lượng.
Ngày 24/1, tàu sân bay USS Harry Truman cùng nhóm tác chiến tấn công đã tham gia hoạt động tuần tra dọc biển Địa Trung Hải. Đây là lần đầu tiên kể từ sau chiến tranh lạnh, một nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ với đầy đủ thành phần đã được đặt dưới sự chỉ huy của NATO.
Cùng ngày 24/1, NATO cũng củng cố biên giới phía Đông với tàu chiến và tiêm kích. Đan Mạch sẽ huy động một khinh hạm tới biển Baltic và 4 tiêm kích F-16 tới Lithuania.
Tây Ban Nha đã đề nghị được đưa một khinh hạm tới Biển Đen và một máy bay tới Bulgaria, trong khi Hà Lan sẽ triển khai hai chiến đấu cơ F-35 tới Bulgaria. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã bày tỏ chính quyền của ông sẵn sàng đưa binh sĩ tới Romania và đặt họ dưới sự chỉ huy của NATO.
Trong khi đó, Điện Kremlin đổ lỗi NATO là bên gây ra căng thẳng, đồng thời chỉ ra rằng hoạt động triển khai quân sự gần đây là chứng cứ cho thái độ hung hăng của đối phương, theo Guardian. “Chúng ta thấy những tuyên bố mà NATO đưa ra về việc tiếp viện, chuyển quân và tài nguyên tới sườn phía đông”, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói. “Tất cả điều này khiến căng thẳng leo thang”.