Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

'Con dao hai lưỡi' trong chiến lược ứng phó Nga của phương Tây

Việc Mỹ, NATO và EU liên tục công khai nhiều thông tin về Nga đã khiến Điện Kremlin phải thay đổi nhiều tính toán, song cách tiếp cận này lại mang đến nhiều rủi ro cho phương Tây.

cang thang Nga va phuong Tay anh 1

Từ bức ảnh do thám đầu tiên về việc xe tăng Nga tập trung ở biên giới Ukraine cho đến khi Tổng thống Joe Biden suy đoán Moscow sẽ xâm lược nước này, Mỹ và đồng minh phương Tây đã tạo ra một cuộc "khẩu chiến" công khai để chống lại mối đe dọa từ Điện Kremlin.

Những công kích hàng ngày về thông tin tình báo, các mối đe dọa và cáo buộc từ Mỹ, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), Liên minh châu Âu (EU) và các nước châu Âu khác đã đánh dấu một cách tiếp cận mới để tránh chiến tranh. Việc tiết lộ thông tin trong các cuộc đàm phán kín là rất bất thường trong ngoại giao thời hiện đại, theo Financial Times.

Một phương Tây "rời rạc"

Mặc dù chiến lược này đã thay đổi tính toán ban đầu của Điện Kremlin và dập tắt khả năng Moscow gây bất ngờ, nó đã khiến cả thế giới biết đến những phân tích của phương Tây về cách đối phó Nga.

“Mỹ đưa ra thông tin công khai đã gây khó khăn hơn cho chiến lược tìm cớ gây chiến của đối phương”, Radoslaw Sikorski, cựu Ngoại trưởng Ba Lan, nhận định.

“Tuy nhiên, chiến lược này cũng khiến chúng tôi gặp nhiều khó khăn hơn khi phơi bày sự thiếu gắn kết trong nội bộ phương Tây”, ông Sikorski nói thêm.

cang thang Nga va phuong Tay anh 2

Tổng thống Joe Biden tiết lộ NATO đang bị chia rẽ trong cách ứng phó với các động thái đe dọa của Nga ở Ukraine. Ảnh: Zuma Press.

Ban đầu, Mỹ triển khai ngoại giao công chúng để thuyết phục một số quốc gia châu Âu đang dao động rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin hiện xem xét một cuộc tấn công nhằm vào Ukraine.

Sau đó, châu Âu áp dụng chiến lược tương tự, khiến Nga nắm rõ cái giá phải trả cho các hành động quân sự của họ: từ các lệnh trừng phạt kinh tế "đầy đau đớn" cho đến việc một quân đội Ukraine đã được trang bị vũ khí tốt hơn đang chờ đợi họ. Các thông cáo báo chí đã công khai việc đội quân Ukraine được trang bị những vũ khí phòng thủ của phương Tây.

“Khi bắt đầu cuộc khủng hoảng này, Mỹ và phương Tây nói chung đang thua trong cuộc chiến thông tin”, Michael McFaul, cựu Đại sứ Mỹ tại Nga, cho biết. Ông cho biết quyết định giải mật thông tin tình báo là nhằm mục đích thống nhất phương Tây.

"Tất cả có thể không ngăn được ông Putin (ở Ukraine). Tuy nhiên, với những quân bài yếu trong tay, ông Biden và đội ngũ ngoại giao của mình đang đối phó với họ một cách hiệu quả", ông nói thêm.

Có lúc, việc liên tục công khai thông tin dường như là một động thái vụng về. Việc Mỹ nhấn mạnh rằng một cuộc tấn công của Nga sắp xảy ra đã khiến nhiều người ở Kyiv hoang mang.

Những phát hiện về gián điệp mà lẽ ra có thể được thực hiện một cách âm thầm đã bị công khai. Vương quốc Anh đã lên tiếng cảnh báo về một nỗ lực thay đổi chính quyền đang được lên kế hoạch ở Kyiv, song lại không công bố bằng chứng nào. Điều này đã khiến nhiều người bối rối.

Cách tiếp cận công khai như vậy đã phải trả giá. Nó đã phơi bày những khác biệt về quan điểm của phương Tây, điều có thể được che đậy bằng các cuộc đối thoại kín. Đồng thời, cách tiếp cận này cũng thu hẹp không gian cho các cuộc đàm phán bên lề, vốn có thể mang lại một bước đột phá.

"Việc giữ im lặng có thể khiến Moscow mặc định là một sự chấp nhận. Vì vậy, cần phải liên tục nhắc nhở Nga rằng sẽ có một mặt trận thống nhất và một phản ứng sắc bén", Andrew Lohsen, một chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, cho biết.

“Vấn đề là điều này càng kéo dài, khả năng xảy ra những lỗi vụng về và sai lầm càng lớn”, ông cho biết.

Phơi bày sự lúng túng của châu Âu

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã lên tiếng kêu gọi một lộ trình đàm phán mới với Nga do châu Âu dẫn đầu. Điều này buộc chính quyền của ông phải làm rõ rằng nó sẽ bổ sung, chứ không phải cạnh tranh, với các cuộc đàm phán hòa bình do Mỹ dẫn đầu.

cang thang Nga va phuong Tay anh 3

Tổng thống Pháp lên tiếng kêu gọi một cuộc đàm phán mới do châu Âu dẫn đầu. Ảnh: Reuters.

Vài giờ sau, ông Biden cũng thừa nhận những bất đồng giữa các nước phương Tây về cách ứng phó Nga. Sau đó, vào ngày 22/1, người đứng đầu Hải quân Đức trong chuyến thăm Ấn Độ tuyên bố rằng phương Tây nên chấp nhận Crimea là của Nga và "dành cho ông Putin sự tôn trọng". Phó đô đốc Kay-Achim Schönbach đã từ chức vào ngày hôm sau.

“Tôi nghĩ rằng ông Putin đang cố gắng gây rối và đặt châu Âu vào thế khó để xem liệu họ có bị chia rẽ”, một quan chức quốc phòng cấp cao của EU cho biết.

“EU rất đoàn kết. Song việc này càng kéo dài, khả năng họ chia rẽ càng lớn”, ông cho biết thêm.

Một số nhà phân tích cũng đặt câu hỏi liệu việc tiến hành đối thoại mạo hiểm trong các cuộc họp báo và bài phát biểu có cản trở nỗ lực tìm kiếm giải pháp thương lượng.

Các cuộc gặp công khai giữa Nga và Mỹ, NATO và các thành viên của Tổ chức An ninh - Hợp tác ở châu Âu đã tạo cơ hội cho cả hai bên nhắc lại những quan điểm không nhất quán giữa họ.

“Các nỗ lực ngoại giao nghiêm túc không nên được tiến hành một cách công khai”, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết trước cuộc phỏng vấn với Financial Times.

Việc thu hút sự chú ý vào cuộc khủng hoảng cũng có thể gây ra một hậu quả khôn lường khác. Đó là buộc ông Putin phải hành động để tránh thể hiện như đã lùi bước trước áp lực từ Mỹ.

Số lượng quân Nga được triển khai sát biên giới vẫn đang tăng lên, bất chấp việc chính phủ nước này khẳng định không có kế hoạch tấn công Ukraine. Bên cạnh đó, dù cuộc gặp giữa Mỹ và Nga đã đạt được những bước tiến nhỏ, phương Tây vẫn tiếp tục công khai thông tin và chỉ trích Nga.

“Đó là một tình huống rất căng thẳng, linh hoạt, thay đổi hàng ngày, hàng giờ. Vì vậy, chúng ta không nên chú ý đến những khoảnh khắc và tuyên bố cụ thể”, José Manuel Albares, Ngoại trưởng Tây Ban Nha, cho biết.

Ý đồ của ông Putin

Không chỉ binh sĩ, xe tăng, tên lửa mà cả tàu chiến đã được quân đội Nga điều động, khiến nhiều người lo ngại về nguy cơ chiến sự tại Ukraine.

Mỹ tính gửi thêm quân tới Đông Âu giữa căng thẳng Nga - Ukraine

Tổng thống Mỹ Joe Biden đang tính đến việc triển khai hàng nghìn binh lính Mỹ, bao gồm lực lượng không quân và hải quân, tới lãnh thổ các nước đồng minh Đông Âu và Baltic.

Vân Đinh

theo Financial Times

Bạn có thể quan tâm