Cụ thể, theo Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross, Mỹ đã bắt đầu đàm phán với nhiều quốc gia châu Á để tìm giải pháp thay thế cho Hiệp định Thương mại tự do xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà nước này đã tuyên bố rút.
Ông Ross cho biết nước này "bày tỏ thiện chí" và "muốn đàm phán song phương với Nhật Bản" về một hiệp định thương mại mới.
Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross tại hội nghị SelectUSA. Ảnh: SCMP. |
"Chúng tôi cũng đã có một số buổi hội thảo sơ bộ với một số quốc gia riêng lẻ khác", vị bộ trưởng nói thêm. Tuy nhiên, ông từ chối nêu tên chính xác các quốc gia mà Mỹ đang nối lại đàm phán.
"Chúng tôi sẽ thông báo chính thức khi được sự đồng thuận của các quốc gia khác. Nhật Bản hoàn toàn cởi mở về vấn đề này còn tới nay, tôi không nghĩ các quốc gia khác có quan điểm tương tự", ông Ross chia sẻ.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký một sắc lệnh rút Mỹ khỏi TPP vào ngày đầu tiên lên nắm quyền tại Nhà Trắng, theo một chiến dịch xuyên suốt mà ông cho rằng sẽ giúp ngăn chặn thất thoát việc làm khỏi nước Mỹ.
Ông Scott Pattison, Giám đốc điều hành của Hiệp hội các Thống đốc quốc gia chia sẻ trong một cuộc họp báo riêng tại SelectUSA rằng hành động đó trái ngược với mong muốn của hầu hết lãnh đạo các bang tại Mỹ, trong một cuộc họp báo riêng tại SelectUSA.
"Đa số thống đốc bang đều rất ủng hộ TPP, dù là đảng viên đảng Dân chủ hay Cộng hòa", ông Pattison cho hay. "Họ không can thiệp trực tiếp vào quá trình thương thảo vì họ biết vai trò của mình không được đánh giá cao".
"Mặt khác, các thống đốc bang lại rất muốn thúc đẩy TPP, họ muốn hoạt động thương mại và đầu tư giữa các bang của Mỹ và giữa các quốc gia TPP càng phát triển càng tốt, vị này nói".
11 quốc gia còn lại trong hiệp định TPP, vốn không bao gồm Trung Quốc, đã đồng ý nối lại đám phán để hướng tới việc đưa TPP vào thực thi mà không có Mỹ. Tuy nhiên sự vắng mặt của Mỹ sẽ giảm thiểu đáng kể quy mô thương mại của hiệp định.
Nếu cộng cả Mỹ, TPP gồm 12 nước sẽ chiếm 38% GDP toàn cầu và 26% khối lượng thương mại toàn cầu, theo số liệu từ David Dodwell, giám đốc Tập đoàn Chính sách Thương mại Hong Kong-Apec. Nếu không có Mỹ, con số teo tóp chỉ còn 13% GDP toàn cầu và 15% khối lượng thương mại toàn cầu.