Trả lời phỏng vấn Nikkei ngày 5/6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ Việt Nam vẫn đang tìm các phương án cho Hiệp định thương mại tự do xuyên Thái Bình Dương TPP sau sự rút lui của Mỹ.
"Việt Nam đã chỉ định Bộ trưởng Thương mại (Bộ trưởng Công Thương - PV) để đàm phán với các thành viên còn lại của TPP về các lựa chọn cho con đường phía trước", Thủ tướng nói bên lề hội nghị thường niên Tương lai của châu Á tại Tokyo, Nhật Bản. "Mục tiêu là tìm ra một phương án cân bằng và hòa hợp lợi ích các bên", Thủ tướng nói thêm.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trả lời phỏng vấn Nikkei bên lề hội nghị Tương lai châu Á tại Tokyo. Ảnh: Nikkei. |
Một trong những lý do Việt Nam gia nhập TPP là kỳ vọng thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm dệt may và nhiều mặt hàng khác sang thị trường Mỹ. Tuy nhiên, rút khỏi TPP lại là việc đầu tiên Tổng thống Mỹ Donald Trump lựa chọn thực hiện ngay sau khi nhậm chức.
Trong bài phỏng vấn, Thủ tướng không đề cập rõ ràng tới việc 11 thành viên còn lại phải đàm phán lại TPP. Tuy nhiên, khi được hỏi yếu tố nào của TPP Việt Nam muốn thay đổi, Thủ tướng cho hay "vấn đề đó vẫn đang được Việt Nam cân nhắc".
Quy mô của TPP giảm manh sau khi Mỹ tuyên bố rút lui. Đồ họa: Ngô Minh. |
Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam cho hay Bộ trưởng Thương mại (Bộ trưởng Công Thương - PV) Việt Nam sẽ "bàn thảo với các đồng sự trong nhóm TPP để đưa ra lựa chọn tốt nhất dựa trên lợi ích chung của nhóm".
Bộ trưởng sẽ báo cáo lại với Thủ tướng về kết quả đàm phán, đồng nghĩa với việc quyết định của Việt Nam phụ thuộc nhiều vào kết quả quá trình đàm phán sắp tới.
Trong các nước thành viên TPP còn lại, Nhật Bản hay New Zealand vẫn kiên định với khối "TPP 11" như hiện nay.
Trước chuyến thăm Tokyo, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chia sẻ với báo giới Nhật Bản rằng Việt Nam sẽ làm việc với chính phủ Nhật và các nước thành viên còn lại để đưa TPP vào hiệu lực.