"Mỹ đã rút khỏi TPP và sẽ không thay đổi quyết định. Nhưng điều đó không có nghĩa là chúng tôi ngừng cam kết tại khu vực này", Đại diện Thương mại Robert Lighthizer cho biết tại cuộc họp báo chiều 21/5 tại Hà Nội.
Theo ông Robert Lighthizer, Washington ủng hộ các thỏa thuận thương mại song phương hơn là đa phương và mong đợi một loạt các hiệp định song phương tại châu Á - Thái Bình Dương.
"Tổng thống đã đưa ra quyết định, và tôi chắc chắn đồng ý rằng so với các cuộc đàm phán đa phương, đàm phán song phương tốt hơn cho Mỹ". Lighthizer cho biết Mỹ ủng hộ thương mại tự do, nhưng sẽ chống lại thương mại không công bằng.
Đại diện Thương mại Robert Lighthizer tham dự cuộc họp báo kết thúc Hội nghị Bộ trưởng Thương mại APEC lần thứ 23 (MRT 23) chiều 21/5 tại Hà Nội. Ảnh: Reuters. |
Phát biểu của Đại diện Thương mại Mỹ được đưa ra sau khi các bộ trưởng thương mại 11 nước thành viên TPP nhất trí sẽ tiếp tục thúc đẩy hiệp định này mà không có Mỹ (TPP 11).
Sáng nay tại Hà Nội, Bộ trưởng Công Thương Việt Nam Trần Tuấn Anh và Bộ trưởng Thương mại New Zealand Todd McClay đã chủ trì buổi làm việc với 11 nước thành viên để thảo luận về tương lai của hiệp định TPP.
Sau cuộc họp, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho hay các quốc gia đã thống nhất đưa ra văn bản tuyên bố chung trong đó khẳng định các nội dung cơ bản liên quan đến sự đánh giá, nhìn nhận về TPP của 11 quốc gia tham gia TPP, thống nhất những hướng đi, yêu cầu đặt ra đối với việc hướng tới triển khai TPP.
"Từ nay đến hội nghị cấp cao APEC cuối 2017, các cơ chế làm việc của TPP sẽ tiếp tục được triển khai thực hiện. Dưới sự chỉ đạo của các bộ trưởng, các hội nghị kỹ thuật, hội nghị của các trưởng đoàn đàm phán sẽ tiếp tục triển khai", ông Trần Tuấn Anh nói.
Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được coi là thỏa thuận thương mại tự do lớn nhất thế giới. Hiệp định này được đàm phán từ tháng 3/2010 và ký kết đầu năm 2016, gồm 12 quốc gia: Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Mỹ, Việt Nam.
Với quy mô chiếm tới 40% GDP toàn cầu, TPP từng là trụ cột của chính sách "tái cân bằng", chuyển hướng sang châu Á trong 8 năm cầm quyền của tổng thống tiền nhiệm Barack Obama. Mỹ và 11 nước châu Á - Thái Bình Dương đã bỏ ra rất nhiều thời gian và nguồn lực chính trị để đàm phán hiệp định này.
Đầu năm 2017, sau khi Donald Trump nhậm chức tổng thống, Mỹ rút khỏi TPP, gây cú sốc lớn đối với các đồng minh và đối tác quan trọng của Mỹ tại khu vực.
Quyết định của Washington cũng khiến cho hiệp định này tạm thời "đóng băng". TPP 11 là tên gọi của hiệp định giữa 11 thành viên còn lại của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương sau khi Mỹ rút lui.