Hội nghị các Bộ trưởng phụ trách Thương mại APEC (MRT 23) sẽ chính thức bắt đầu vào ngày mai (20/5) ở Hà Nội với sự chủ trì của Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh.
Nhưng trong ngày hôm nay, một loạt cuộc gặp song phương của các bộ trưởng sẽ được tiến hành, đặc biệt là từ những nước thuộc TPP. Tâm điểm chú ý nhất lúc này là việc các bộ trưởng quyết định thế nào về tương lai của hiệp định khi không còn Mỹ. Liệu một TPP 11 có được chốt tại Hà Nội lần này?
Thủ tướng New Zealand Bill English (trái) trong cuộc gặp với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe ở Tokyo. Ảnh: AFP. |
TPP 11 là tên gọi của hiệp định giữa 11 thành viên còn lại của TPP sau khi Mỹ rút lui vào đầu năm nay khi Donald Trump lên nhậm chức. Rút khỏi TPP là một trong những cam kết tranh cử của Trump và là một trong những lời hứa hiếm hoi ông thực hiện được sau đắc cử.
Nguồn tin của Zing.vn cho biết cuộc họp đầu tiên của các trưởng đoàn đàm phán TPP sẽ bắt đầu vào chiều 20/5. Tới sáng 21, các bộ trưởng TPP 11 sẽ có buổi ăn sáng làm việc tại khách sạn JW Marriott để bàn thảo về tương lai hiệp định – đồng chủ trì sẽ là Bộ trưởng Trần Tuấn Anh của Việt Nam và Bộ trưởng Todd McClay của New Zealand.
Đầu tàu Nhật – New Zealand
Hy vọng khởi động lại TPP đang được làm nóng lại, đặc biệt sau cuộc gặp giữa Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Thủ tướng New Zealand Bill English hôm 17/5 tại Tokyo. Cả New Zealand và Nhật Bản hiện nhắm tới việc thực thi TPP mà không cần đàm phán lại quá nhiều – với mong muốn để ngỏ cánh cửa cho Mỹ trở lại.
“Mỗi nước đều có một số vấn đề mà họ muốn đàm phán lại nên chúng tôi không nghĩ rằng đó là cách tốt để tiến tiếp”, Thủ tướng New Zealand Bill English nói với Nikkei sau cuộc gặp. Theo ông English, lý tưởng nhất là các bên sẽ chỉ cần “thực hiện thay đổi kỹ thuật để cho phép việc Mỹ không phải là thành viên của” TPP 11.
Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh phát biểu tại Hội thảo APEC về thương mại và sáng tạo. Ảnh: Lê Hiếu. |
Theo quy định hiện tại, tỷ lệ GDP của các nước triển khai TPP phải đạt được 85% tổng GDP của 12 nước (ký năm 2013) thì hiệp định mới có hiệu lực. Với việc Mỹ chiếm 60% GDP, TPP ít nhất sẽ cần thay đổi điều khoản hiệu lực để có thể bắt đầu.
Quyết tâm nhất lúc này có Nhật Bản (chiếm khoảng 20% tổng GDP 12 nước TPP), New Zealand và Australia. Hai nước cũng ủng hộ TPP 11 nữa là Singapore và Brunei. Đại diện các nước TPP-11 đã gặp nhau “bí mật” tại Toronto vào đầu tháng này để bàn về khả năng đưa hiệp định vào hiệu lực.
Theo thủ tướng New Zealand thì dù không có Mỹ “chúng ta vẫn thể có một thoả thuận thương mại có nền kinh tế Nhật và có thể tiếp tục thúc đẩy thương mại ở khu vực”.
Thủ tướng English hy vọng các bộ trưởng thương mại TPP 11 trong cuộc gặp ngày chủ nhật sẽ “có đủ ý chí chung để đẩy hiệp định”. Một nguồn tin chính phủ Nhật cũng nói “để nguyên nội dung TPP sẽ là cách thực tế để đưa hiệp định có hiệu lực giữa 11 nước”.
Các nước dự kiến được lợi nhất từ thị trường Mỹ như Malaysia, Việt Nam được coi là vẫn còn chần chừ với phương án mới (do mất quá nhiều khi không còn Mỹ). Riêng các nước Mỹ Latin như Peru và Chile thì đang quan tâm tới đàm phán hiệp định mới mà có thể có Trung Quốc tham gia.
Các quan chức trong cuộc họp báo về SOM 2 APEC 2017 chiều 18/5. Ảnh: Thanh Tuấn. |
Phức tạp đàm phán lại
Việc mở lại bất cứ điều khoản nào của 1.500 trang hiệp định TPP cũng được coi là hết sức phức tạp khi các nước đồng ý điều khoản TPP ban đầu đều có những tính toán tổng thể về được/mất với các đối tác, đặc biệt là với thị trường Mỹ - nền kinh tế lớn nhất và là thị trường quan trọng nhất cho các nước.
Đây là lý do các chuyên gia dự đoán việc đàm phán bất cứ điều khoản nào cũng sẽ dẫn đến việc các nước đòi hỏi thay đổi các điều khoản khác để cân đối được/mất trong hiệp định. Một nguồn tin ngoại giao nói với Zing.vn rằng việc mở lại đàm phán gần như là “không thể” vì sự phức tạp này.
Trả lời Zing.vn, giáo sư Peter Petri của Đại học Brandeis đánh giá, "TPP 11 vẫn quan trọng vì đó là con đường cho hội nhập kinh tế sâu. Dù nó không lớn như TPP 12 nước ban đầu, hiệp định này có thể mở rộng ra dần cho các nước ở Châu Á Thái Bình Dương, châu Âu và thậm chí là Mỹ".
Đánh giá tác động tới Việt Nam, ông thừa nhận TPP 11 sẽ không có lợi nhiều cho Việt Nam như bản TPP ban đầu khi các lợi thế lớn về tiếp cận thị trường may mặc và giày da của Mỹ không còn. "Nhưng TPP 11 sẽ giúp tạo ra chuỗi cung cấp giá trị toàn cầu lớn hơn. Thu nhập của người Việt Nam sẽ tăng dù là Việt Nam sẽ không phải là nước hưởng lợi nhiều nhất từ hiệp định này (như hiệp định ban đầu", ông nói.
Các đánh giá cũng nói cuộc gặp tại Hà Nội gần như mang tính quyết định của TPP khi các nước không có nhiều thời gian để quyết định trong năm nay. Một thời điểm nữa các bộ trưởng có thể đưa ra các quyết định quan trọng là SOM 3 của APEC vào cuối tháng 8 tại TP.HCM trước khi các lãnh đạo họp vào tháng 11.
Cuộc họp MRT tại Hà Nội cũng là lần đầu tiên các nước APEC được nghe Đại diện Thương mại mới của Mỹ sẽ nói gì về chính sách thương mại của chính quyền Trump – điều đến nay vẫn chưa có dấu hiệu rõ ràng về định hướng.