Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mỹ công bố thủ phạm cướp khí quyển sao Hỏa

Bầu khí quyển của sao Hỏa từng dày và ẩm, song những cơn bão mặt trời khiến nó trở nên mỏng và khô.

Hình minh họa
Hình minh họa các hạt mang điện tích từ mặt trời "bắn phá" bầu khí quyển sao Hỏa khiến các ion của hành tinh đỏ văng ra không gian xung quanh. Ảnh: NASA.

Phi thuyền MAVEN của Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) bay quanh sao Hỏa từ năm 2014 để nghiên cứu bầu khí quyển của hành tinh đỏ. Dữ liệu của nó cho phép các nhà nghiên cứu xác định tốc độ thất thoát không khí trên sao Hỏa do bão từ, trang web của NASA đưa tin.

"Dường như sao Hỏa từng có bầu khí quyển dày và đủ ấm để nước có thể tồn tại ở dạng lỏng. Chúng ta đều biết nước là nguyên liệu cần thiết đối với sự sống", John Grunsfeld, một phi hành gia và cũng là nhà nghiên cứu của NASA, phát biểu trong cuộc họp báo hôm 5/11 theo giờ Mỹ.

Grunsfeld cho rằng việc nghiên cứu lịch sử của bầu khí quyển sao Hỏa sẽ giúp giới khoa học hiểu rõ quá trình tiến hóa của mọi bầu khí quyển khác trong vũ trụ. Sự thay đổi của một bầu khí quyển từng có khả năng nuôi dưỡng vi sinh vật thành bầu khí quyển khô cằn là điều mà các nhà khoa học cần tìm hiểu để phục vụ chuyến bay đưa người tới sao Hỏa.

Dữ liệu từ MAVEN cho thấy bão mặt trời "cướp" không khí của sao Hỏa với tốc độ khoảng 100 gram mỗi giây. Sau hàng trăm triệu năm, sao Hỏa mất lượng không khí cực lớn. 

"Chúng tôi nhận thấy tốc độ thất thoát không khí trên sao Hỏa tăng mạnh khi những cơn bão mặt trời xuất hiện. Vì thế chúng tôi nghĩ tốc độ ấy đạt mức cao hơn nhiều cách đây vài tỷ năm, khi mặt trời còn là ngôi sao mới và hoạt động dữ dội", Bruce Jakosky, trưởng nhóm phân tích dữ liệu từ phi thuyền MAVEN, phát biểu.

Hàng loạt cơn bão từ tấn công bầu khí quyển sao Hỏa hồi tháng 3 năm nay và MAVEN phát hiện tốc độ thất thoát không khí tăng vọt bởi tác động của bão. Thực tế đó, cộng với việc mặt trời hoạt động mạnh cách đây hàng tỷ năm, cho thấy sao Hỏa đã và đang mất dần không khí.

Bão mặt trời là những luồng hạt mang điện tích - chủ yếu là proton và electron - thoát ra từ tầng thượng quyển của mặt trời với tốc độ khoảng 1,6 triệu km/h. Từ trường mà bão mặt trời mang theo có thể tạo ra điện trường trong bầu khí quyển sao Hỏa. Điện trường tác động tới ion trong tầng thượng quyển của sao Hỏa, khiến chúng tăng tốc và văng ra ngoài không gian.

Phát hiện bằng chứng nước chảy trên sao Hỏa

Dữ liệu từ một vệ tinh của Mỹ cho thấy nước chảy trên nhiều sườn dốc của sao Hỏa vào những tháng mùa hè.

Linh Phong

Bạn có thể quan tâm