Công tác xử lý dioxin tại Sân bay Biên Hòa. Ảnh: USAID Vietnam. |
Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) đã trao thầu cho công ty của Việt Nam là Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng VINA E&C hợp đồng thi công xây lắp được thực hiện trong 4 năm. Theo hợp đồng này, công ty VINA E&C sẽ hoàn thành việc đào xúc đất và trầm tích ô nhiễm tại khu vực sân bay và chuẩn bị sẵn sàng cho công tác xử lý.
“Việc công bố hợp đồng mới này thể hiện cam kết của Mỹ đối với quan hệ đối tác của chúng tôi với Việt Nam”, Giám đốc USAID/Vietnam Aler Grubbs cho biết.
“Hợp đồng này sẽ hoàn thành công tác chuẩn bị hết sức quan trọng để sẵn sàng cho giai đoạn xử lý của dự án. Đây là hợp đồng lớn nhất của USAID được trao cho một tổ chức của Việt Nam trong bối cảnh chúng tôi đã và đang nỗ lực nâng cao năng lực của Việt Nam trong lĩnh vực an toàn và sức khỏe môi trường", bà Aler Grubbs nói thêm.
“Việc được lựa chọn là nhà thầu chính để thi công xây dựng hạ tầng cho giai đoạn tiếp theo của dự án hợp tác giữa Mỹ và Việt Nam để xử lý ô nhiễm dioxin khu vực sân bay Biên Hòa là vinh dự lớn cho công ty chúng tôi", Tổng giám đốc Công ty VINA E&C Vũ Văn Liêm cho biết.
“Hợp đồng này là một cơ hội lớn để Công ty VINA E&C tiếp tục đạt được những thành công của dự án. Chúng tôi sẽ nỗ lực hết sức để đáp ứng các yêu cầu cao của dự án về an toàn, sức khỏe và môi trường và các quy chuẩn kỹ thuật, từ đó đóng góp cho sự thành công chung của dự án", ông Liêm nói.
Công tác xử lý dioxin tại Sân bay Biên Hòa. Ảnh: USAID Vietnam. |
USAID đang hợp tác với Bộ Quốc phòng để xử lý khoảng 500.000 m3 đất và trầm tích nhiễm dioxin ở trong và quanh Sân bay Biên Hòa.
Năm 2018, USAID đã hoàn thành xử lý dioxin tại Sân bay Đà Nẵng. Dự án xử lý dioxin tại khu vực Sân bay Biên Hòa sẽ xử lý khối lượng đất và trầm tích gấp gần 4 lần so với dự án xử lý dioxin tại Sân bay Đà Nẵng.
USAID và Bộ Quốc phòng khởi động dự án Biên Hòa vào tháng 4/2019. Tháng 6/2022, USAID hoàn thành xử lý khu vực đầu tiên là hồ Cổng 2. Chính phủ Mỹ và Bộ Quốc phòng dự kiến mất 10 năm để hoàn thành dự án này, với chi phí ước tính của dự án là 450 triệu USD. Đến nay, Chính phủ Mỹ đã đóng góp 163,25 triệu USD trong tổng số 300 triệu USD dự kiến đóng góp.
Năm 2023, Mỹ và Việt Nam sẽ kỷ niệm 10 năm thiết lập Quan hệ Đối tác Toàn diện. Sự hợp tác chặt chẽ giữa hai nước trong những thập kỷ qua để vượt qua những vấn đề tồn lại sau chiến tranh là một minh chứng nữa về sự hợp tác chiến lược cùng nhau giữa Mỹ và Việt Nam để xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn cho nhân dân hai nước.