Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mỹ có sai lầm khi đặt cược vào phi cơ tàng hình?

Công nghệ chống tàng hình đang phát triển theo chiều hướng bất lợi cho các chiến đấu cơ tàng hình nhưng Mỹ vẫn chi hàng nghìn tỷ USD để phát triển và đặt hết kỳ vọng nào nó.

Theo tạp chí National Interest, tàng hình là cuộc đặt cược lớn trong những năm 1980 và trở thành công nghệ “hot” một thập kỷ sau đó. Nhưng các chiến đấu cơ tàng hình có thực sự “vô hình” cho đến những năm 2020, nhà phân tích Stephen Bryen đặt giả thuyết.

Công nghệ tàng hình đã có lịch sử lâu đời nhưng vẫn chưa thực sự phổ biến trong quân đội các nước trên thế giới và hiệu quả của nó cũng là vấn đề gây tranh cãi.

Chỉ có tác dụng khi bay

Tàng hình là giải pháp công nghệ làm cho chiếc máy bay trở nên khó phát hiện hơn bằng sóng điện từ, hay radar. Công nghệ này được cho là bắt đầu trong Thế chiến II. Anh đã phát triển hệ thống radar cảnh giới ven biển mang tên Chain Home, cho phép phát hiện sớm từ xa bất kỳ cuộc tấn công của máy bay Đức quốc xã.

Để tìm cách vượt qua mạng lưới radar cảnh báo sớm của Anh, nhà sản xuất máy bay Gothaer Waggonfabrik ở Đức quốc xã đã phát triển mẫu thử nghiệm Horten Ho 229 được cho là khó bị phát hiện hơn bằng radar, hay “tàng hình”.

Ho 229 là mẫu máy bay có thiết kế khí động học quái dị và không có cánh đuôi đứng. Nó được trang bị 2 động cơ phản lực Junker. Đức quốc xã bị đánh bại trước khi mẫu máy bay này đi vào hoạt động nhưng các kỹ sư hàng không tin rằng nó có khả năng tàng hình.

Nang luc thuc su cua may bay tang hinh anh 1
Sức mạnh của Không quân Mỹ trong tương lai đang được đặt cược vào F-35. Ảnh: Lầu Năm Góc.

Các kỹ sư của Tập đoàn Northrop, Mỹ đã sử dụng mô hình Ho 229 để thử nghiệm với tần số radar của Anh trong Thế chiến II cho thấy Ho 229 có thể giảm đáng kể mặt cắt radar. Nếu Ho 229 đi vào hoạt động, nó sẽ là máy bay tàng hình đầu tiên của thế giới.

Tàng hình là một tập hợp các công nghệ bí mật được bảo mật rất kỹ lưỡng và chỉ có 3 quốc gia trên thế giới đang phát triển công nghệ này. Nga đang phát triển máy bay chiến đấu tàng hình PAK FA T-50 được chỉ định số hiệu sản xuất loạt là Su-57.

Trung Quốc đang theo đuổi 2 mẫu chiến đấu cơ có khả năng tàng hình là J-20 và J-31. Trong đó, một phi đội J-20 đã được đưa vào sử dụng thử nghiệm trong Không quân Trung Quốc vào giữa năm nay. J-31 tương tự F-35 đang trong quá trình phát triển.

Tính năng tàng hình hướng đến 2 mục đích. Đầu tiên cho phép máy bay tiếp cận mạng lưới phòng không, hay chiến đấu cơ đối phương mà không bị phát hiện. Tiếp đến, nó cho phép máy bay tàng hình dễ dàng khai hỏa và bắn hạ máy bay không tàng hình.

Tuy nhiên, tính năng tàng hình chỉ có tác dụng khi bay, một khi phi công khai hỏa vũ khí, vị trí của máy bay sẽ bị lộ, khi đó lợi thế chiến thuật sẽ không còn. Ông Bryen cho rằng tàng hình đóng vai trò rất nhỏ trong các hoạt động quân sự.

Mỹ là quốc gia duy nhất sử dụng máy bay tàng hình trong chiến đấu thực tế. F-117A Nighthawk, máy bay chiến đấu tàng hình đầu tiên của thế giới, đã được sử dụng trong chiến tranh Kosovo năm 1999. Một chiếc đã bị bắn hạ bởi hệ thống phòng không SA-3, được xem là lạc hậu của Liên Xô.

Tiêm kích tàng hình hiện đại nhất của Mỹ là F-22 Raptor cũng được sử dụng trong cuộc chiến chống khủng bố ở Iraq và Syria. Tuy nhiên, sự có mặt của F-22 hầu như không cần thiết. Nó là một tiêm kích được chế tạo cho nhiệm vụ chiếm ưu thế trên không, trong khi máy bay Mỹ hoạt động ở Iraq và Syria hầu như không có mối đe dọa trên không nào đáng kể.

Ông Bryen cho rằng máy bay tàng hình có giá trị trong các kịch bản chiến lược nhưng trong môi trường chiến thuật điển hình, nó đóng vai trò khá nhỏ.

Món cược 1.500 tỷ USD

Chiến đấu cơ tàng hình vẫn chưa chứng minh ưu thế tuyệt đối của nó trong chiến đấu nhưng chính phủ Mỹ vẫn đầu tư hàng nghìn tỷ USD vào loại máy bay này. Lầu Năm Góc dự định mua sắm khoảng 2.443 chiếc F-35 để thay thế cho các máy bay chiến đấu cũ như F-15, F-16 và F/A-18.

Chi phí duy trì hoạt động F-35 khoảng 1.500 tỷ USD đưa nó trở thành chương trình tiêm kích đắt nhất lịch sử hàng không thế giới. Lầu Năm Góc biện minh rằng họ cần phải thay thế toàn bộ máy bay chiến đấu cũ sau nhiều thập kỷ sử dụng bằng chiếc F-35 có khả năng hơn.

Nang luc thuc su cua may bay tang hinh anh 2
Các hệ thống phòng không tinh vi như S-400 của Nga là khắc tinh của chiến đấu cơ tàng hình. Ảnh: Sputnik.

Tuy nhiên, F-35 đang đối mặt với nhiều thách thức về chậm tiến độ, lỗi kỹ thuật và phát sinh chi phí. Năng lực của chiếc F-35 cũng bị đặt câu hỏi khi nó không thắng được tiêm kích F-16 mà nó sẽ thay thế trong không chiến quần vòng ở cự ly gần.

Bên cạnh đó, các nước trên thế giới đang phát triển nhiều công nghệ chống tàng hình. Nga đã phát triển nhiều hệ thống phòng không tinh vi, đặc biệt là S-400 có thể bắn hạ chiến đấu cơ tàng hình. Công nghệ cảm biến cũng có nhiều thay đổi theo hướng chống lại khả năng tàng hình của máy bay.

Nga và Trung Quốc đang phát triển các hệ thống cảm biến quang điện có thể phát hiện chính xác máy bay tàng hình. Các hệ thống radar thụ động như VERA của Cộng hòa Czech có thể phát hiện khá chính xác máy bay tàng hình. Radar này không phát sóng mà thu tín hiệu phát ra từ máy bay tàng hình để xác định vị trí của nó.

Các loại radar VHF tần số thấp, bước sóng dài cũng có khả năng phát hiện máy bay tàng hình, tuy không chính xác nhưng nếu kết hợp với kỹ thuật đạc tam giác có thể tìm ra vị trí chính xác của phi cơ tàng hình.

Các kỹ sư luôn có nhiều tùy chọn theo yêu cầu của khách hàng khi thiết kế máy bay và Lầu Năm Góc đã quyết định ưu tiên tính năng tàng hình. Điều đó có nghĩa máy bay phải hy sinh tốc độ, khả năng cơ động và tải trọng vũ khí.

Tiêm kích F-22 của Mỹ có khả năng cơ động rất tốt nhưng nó không thể nhanh bằng các chiến đấu cơ không tàng hình. Ngay cả với chiếc F-22 có khả năng tàng hình ưu việt nhất thì động cơ của nó vẫn là miếng mồi cho tên lửa.

Hệ thống phòng không S-400 của Nga có thể phóng ra tên lửa bay với tốc độ lên đến 17.280 km/h, với khả năng chịu quá tải lên đến 15G, gần gấp đôi máy bay có người lái. Ông Bryen cho rằng chiến đấu cơ tàng hình hầu như có rất ít cơ hội sống sót khi đối mặt với S-400.

Ông Bryen kết luận rằng chiến đấu cơ tàng hình đang mất dần giá trị khi đối mặt với các công nghệ chống tàng hình. Có lẽ Mỹ nên suy nghĩ về một chiến đấu cơ thông thường có khả năng chống lại hệ thống phòng không của đối phương.

Uy lực của hệ thống phòng không S-400 Hệ thống phòng không tầm siêu xa S-400 Triumf có thể tiêu diệt mục tiêu trên không ở cự ly tới 400 km.

Mỹ đang chế tạo lại máy bay từng thảm bại tại Việt Nam

Nhà phân tích quân sự uy tín của Mỹ cho rằng, dự án tiêm kích tàng hình F-35 đang lặp lại sai lầm của máy bay F-105 từng thất bại ở chiến trường Việt Nam.

Trung Hiếu

Bạn có thể quan tâm