Theo Wall Street Journal, số ca tử vong ở Italy đã vượt mốc 10.000 trong khi tại thành phố New York, số người thiệt mạng đã lên tới 700.
Nhật Bản hôm 28/3 cũng ghi nhận 199 ca nhiễm mới - sự gia tăng kỷ lục trong vòng một ngày - nâng tổng số ca nhiễm ở quốc gia này lên 1.724 với 55 trường hợp tử vong.
Thủ tướng Shinzo Abe cảnh báo người dân cần phải chuẩn bị cho "một cuộc chiến dài hơi" và cam kết chính phủ của ông sẽ công bố gói kích thích kinh tế lớn hơn những gì đã làm trong cuộc khủng hoảng tài chính 2008.
Đoàn xe của quân đội Italy mang xác các nạn nhân nhiễm Covid-19 đi hỏa táng từ thị trấn Seriate, gần Bergamo, phía bắc Italy hôm 28/3. Ảnh: AP. |
Trong khi đó tại Mỹ, những căng thẳng đã diễn ra về kế hoạch phong tỏa của chính quyền. Sau khi nhận sự phản đối của các lãnh đạo bang về tuyên bố có thể phong tỏa khu vực New York, New Jersey và Connecticut, ông Trump đã không đưa ra quyết định này. Thay vào đó, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) cảnh báo người dân không đi tới khu vực nêu trên.
Thống đốc bang New York, ông Andrew Cuomo gọi ý tưởng phong tỏa là "lời tuyên chiến của chính quyền liên bang với các bang" và hoài nghi về cơ sở pháp lý cho một quyết định như vậy.
Đại dịch Covid-19 đã gây thiệt hại nặng nề tới nền kinh tế Mỹ, khiến hàng triệu người thất nghiệp và thị trường chứng khoán lao dốc.
Có hơn 19.000 ca nhiễm mới được ghi nhận trong ngày 29/3, nâng tổng số ca nhiễm Covid-19 tại Mỹ lên 124.000, theo thống kê của Đại học Johns Hopkins. Trong khi đó số ca tử vong vì dịch bệnh tại Mỹ cũng vượt mốc 2.000, tăng hơn gấp đôi chỉ sau 2 ngày.
Hiện Mỹ đứng đầu trong số các nước có nhiều người nhiễm Covid-19 nhất thế giới, trong khi tính về số ca tử vong thì Italy dẫn đầu danh sách, theo sau bởi Tây Ban Nha, Trung Quốc, Iran và Pháp.
Thống đốc bang Illinois, ông JB Pritzker thông báo về một trường hợp bé sơ sinh nhiễm Covid-19 tử vong tại thành phố Chicago.
New Zealand ghi nhận trường hợp tử vong đầu tiên vì Covid-19 ở nước này hôm 29/3, trong khi tại Australia, số ca tử vong đang là 16.