Trong bối cảnh các quốc gia thịnh vượng như Mỹ hay Italy không thể kiềm chế đại dịch Covid-19, nhiều chuyên gia y tế và nhân viên cứu trợ càng thêm lo lắng về cộng đồng người tị nạn trước ảnh hưởng của virus corona.
Tại Syria, tình trạng khan hiếm giường bệnh, thiết bị và chuyên gia y tế khiến nhiều bệnh nhân có triệu chứng của dịch Covid-19 tử vong. Ở Bangladesh, thực hiện “cách ly xã hội” là điều không tưởng khi các trại tị nạn có mật độ dân số lớn gấp 4 lần thành phố New York đông đúc. Trong khi đó, chỉ 8 bác sĩ trong các trại thuộc Kenya đang “chật vật” chữa trị cho gần 200.000 người.
Nơi hoàn hảo cho bệnh truyền nhiễm lây lan
Người tị nạn Rohingya từ Myanmar sống tại trại Kutupalong ở Bangladesh. Ảnh: Getty Images. |
Trại tị nạn ở khắp châu Phi, Trung Đông hay châu Á là nơi trú ngụ của khoảng 10 triệu người, những người buộc phải di cư do các xung đột bạo lực tại nơi họ sinh sống. Người sống tại đây đa phần có sức khoẻ kém do thiếu dinh dưỡng và ít được tiếp cận với các dịch vụ y tế.
Trại tị nạn là nơi các loại bệnh truyền nhiễm lây lan nhanh do không đảm bảo điều kiện vệ sinh cơ bản. Cư dân khu vực này thường thiếu hụt nhu yếu phẩm cần thiết như thực phẩm, nước uống hay xà phòng. Họ cũng là đối tượng dễ bị nhiều loại bệnh tật tấn công, từ triệu chứng nhẹ như ho, sốt cho đến các bệnh nan y khó cứu chữa.
Ông Admadu Yusuf, một người lãnh đạo cộng đồng ở trại Bakassi (Nigeria) chia sẻ: “Sẽ là một thảm hoạ nếu dịch bệnh lây lan trong các trại tị nạn”. Theo ông, cuộc sống thiếu thốn, chật chội nơi đây khiến việc cách ly xã hội và giữ vệ sinh sạch sẽ là điều không thể.
Ông Deepmala Mahla, giám đốc khu vực châu Á của tổ chức cứu trợ nhân đạo CARE bày tỏ: “Mọi người nhấn mạnh việc giữ khoảng cách xã hội là yếu tố then chốt để đánh bại Covid-19. Nhưng với những người tị nạn, họ phải đi đâu để có thêm khoảng cách bây giờ?”.
Chính vì thế, virus corona có thể càn quét các trại tị nạn với tốc độ và tính sát thương khủng khiếp. “Hiện tình hình ở châu Âu và Mỹ đang là một vấn đề lớn nhưng mọi chuyện sẽ thay đổi khi Covid-19 bùng phát trong cộng đồng người tị nạn”, New York Times dẫn lời Adam Coutts, nghiên cứu sinh về sức khoẻ cộng đồng của Đại học Cambridge.
Hiện các trại tị nạn có số ca nhiễm Covid-19 không cao nhưng số liệu này có thể bắt nguồn từ tình trạng khan hiếm bộ xét nghiệm. Trong thời gian gần đây, nhiều bác sĩ tại các trại ở Syria và Bangladesh cho biết có nhiều ca nhiễm và ca tử vong với triệu chứng của virus corona. “Thật ngây thơ nếu cho rằng dịch bệnh chưa lây lan trong các trại tị nạn” ông Coutts bổ sung.
Nếu điều đó xảy ra thì các trại tị nạn với cơ sở y tế nghèo nàn đang ở trong tình trạng “tay không” chống dịch. Nhiều phòng khám đang vật lộn với dịch sốt xuất huyết và dịch tả nên không đủ cơ sở vật chất để đáp ứng cho bệnh nhân nhiễm bệnh mãn tính như tiểu đường hay bệnh tim.
Các chuyên gia y tế cảnh báo mọi chuyện còn khó khăn hơn khi đương đầu với dịch Covid-19, hiện chưa có vắcxin và phác đồ điều trị cụ thể.
Tổ chức Bác sĩ xuyên biên giới tại Mỹ đang triển khai nhiều đội làm việc tới các trại tị nạn. Người đứng đầu đơn vị cho hay họ "đang chuẩn bị cho điều tồi tệ nhất vì chúng tôi hiểu những nơi này thiếu cả trang thiết bị lẫn nhân lực”.
Nhiều vấn đề tiếp tục bủa vây
Các gia đình tị nạn sống trong lều dưới một sân vận động thể thao tại Idlib, Syria. Ảnh: The New York Times. |
Bên cạnh nguy cơ lây nhiễm cao trong một môi trường chật chội và thiếu thốn, cộng đồng người tị nạn cũng phải đối diện với nhiều hệ quả nghiêm trọng mà đại dịch gián tiếp gây ra.
Ở nhiều nước, biện pháp phong toả nhằm ngăn chặn tốc độ lây lan của virus đang gây ảnh hưởng tới kế sinh nhai của những người tị nạn. Trong đó có gia đình của Nisrine Muhra, hiện đang trú tại Lebanon và kiếm sống bằng việc bán giấy ăn dạo. Lệnh phong toả khiến cô phải ở nhà nên người chồng mạo hiểm ra ngoài tìm việc rồi bị bắt.
Gia đình đông con đang nợ 3 tháng tiền nhà và phải sống qua ngày bằng bánh mì, rau cỏ. Họ không có đồ bảo hộ hay nước sát khuẩn vì đã dùng số tiền ít ỏi để mua thực phẩm. “Chúng tôi sẽ không chết vì virus corona mà chết vì đói”, Nisrine trả lời New York Times.
Bên cạnh đó, các trại tị nạn còn dễ bị ảnh hưởng bởi các hiện tượng thời tiết cực đoan. Chính quyền Bangladesh, nơi có khoảng 860.000 người Hồi giáo Rohingya từ Myanmar trú chân, lo ngại mùa mưa sắp tới sẽ khiến nước thải tràn vào nơi trú ẩn của người tị nạn và làm virus corona lây lan nhanh.
“Chúng tôi lo sợ loại virus giết chết hàng chục nghìn người trên thế giới nhưng không có cách nào ngăn nó lại”, Marjuna, một người tị nạn Rohingya 18 tuổi, chia sẻ.
"Đoàn kết chống lại kẻ thù chung"
Trong khi đó, các tổ chức cứu trợ cũng đau đầu khi nguồn tài trợ từ phương Tây đang trong tình trạng bất ổn. Việc Mỹ và châu Âu phải đối diện với hiểm hoạ sức khoẻ và khủng hoảng kinh tế đồng nghĩa với việc cộng đồng tị nạn nhận được ít sự giúp đỡ hơn. Trong một tuyên bố, ông Jan Egeland, tổng thư ký Hội đồng Tị nạn Na Uy, cho biết “các nhà lãnh đạo trên thế giới không được bỏ mặc người dân sống bên ngoài biên giới nước họ”.
Không được tiếp cận thông tin một cách kịp thời, chính xác cũng là vấn đề. Ở Bangladesh, chính phủ hạn chế truy cập Internet với người Rohingya nên vô số tin đồn không chính xác đang lan truyền nhanh chóng, bao gồm ăn tỏi để diệt virus hay người dương tính với Covid-19 sẽ bị giết để tránh lây nhiễm.
“Chúng tôi đang cố truyền đạt các thông tin chính xác về sức khoẻ và đại dịch nhưng điều này thật khó khi không có mạng điện thoại", Marie Sophie Petterson, một chuyên gia về bình đẳng giới tại Liên Hợp Quốc cho hay.
Một người đàn ông sống tại trại tị nạn khẩn cấp ở Idlib, Syria. Ảnh: The New York Times. |
Nhân loại đang phải đối mặt với một kẻ thù chung mang tên đại dịch toàn cầu Covid-19. Nhiều người hy vọng rằng đây chính là cơ hội để cả thế giới chung tay, đồng cảm và cùng vượt qua thách thức lớn này.
“Vượt lên khoảng cách biên giới, màu da, giới tính và đẳng cấp, chúng ta ở cùng một bên chiến tuyến để chống lại đại dịch do virus corona gây ra”, ông Deepmala Mahla, giám đốc khu vực châu Á của tổ chức cứu trợ nhân đạo CARE kết luận.