Cuộc họp tại Vancouver, do Canada và Mỹ chủ trì, diễn ra trong lúc căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên đã tạm xuống thang, ít nhất là trong ngắn hạn. Hàn Quốc và Triều Tiên vừa tổ chức cuộc gặp đầu tiên sau 2 năm. Sau cuộc họp, Triều Tiên tuyên bố nước này sẽ cử đoàn vận động viên tham dự Olympics mùa đông tại PyeongChang, Hàn Quốc vào tháng 2.
Một vụ thử tên lửa của Triều Tiên. Ảnh: Reuters. |
Dù vậy, Mỹ và nhiều nước cho rằng cộng đồng quốc tế vẫn tìm cách để mở rộng trừng phạt đối với chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng. Cuộc họp tại Vancouver sẽ bàn thảo các giải pháp kinh tế và ngoại giao để tiếp tục gây áp lực lên Triều Tiên.
"Các bằng chứng cho thấy chiến dịch gây áp lực tối đa lên Triều Tiên đang có hiệu quả. Họ đang cảm thấy sức ép", Reuters dẫn lời Brian Hook, Giám đốc hoạch định chính sách của Bộ Ngoại giao Mỹ.
Một trong những thách thức cuộc họp tại Vancouver sẽ gặp phải là sự vắng mặt của Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất và là nhà cung cấp dầu chính cho Triều Tiên. Mối quan hệ kinh tế khiến Bắc Kinh trở thành bên quan trọng trong nỗ lực của cộng đồng quốc tế nhằm kiềm chế Triều Tiên.
Trung Quốc hiện là nhà nhập khẩu và xuất khẩu lớn nhất của Triều Tiên. Trong ảnh, biểu đồ sản lượng xuất nhập khẩu của Triều Tiên trong năm 2015. Đồ họa: Statista. |
"Tổ chức dạng cuộc họp mà không bao gồm các bên quan trọng trong vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên trên thực tế không thể giúp tiến đến một giải pháp hợp lý cho vấn đề", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng nói trong cuộc họp báo thường kỳ.
Cuộc họp này quy tụ hầu hết là những nước đã gửi quân đến trong cuộc Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953. Những nước khác đã được mời bao gồm Hàn Quốc và Nhật Bản, 2 đồng minh của Mỹ.
Ông Hook nói rằng Trung Quốc và Nga, 2 nước không tham dự, sẽ được thông tin đầy đủ về kết quả cuộc gặp.
Các nguồn tin ngoại giao nhận định rằng việc Trung Quốc vắng mặt sẽ gây ảnh hưởng đáng kể đến kết quả.