"Công chúng không nên băn khoăn, tổng thống đã nói rất rõ rằng điều kiện để tiến hành cuộc gặp với Triều Tiên là các cuộc thử tên lửa và hạt nhân phải chấm dứt", Reuters dẫn lời Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steve Mnuchin phát biểu hôm 11/3.
Ông Steve Mnuchin. Ảnh: AFP. |
Ông Mnuchin cho biết việc Washington chấp nhận đề nghị gặp mặt của Bình Nhưỡng là nỗ lực giải quyết vấn đề hạt nhân của Triều Tiên bằng con đường ngoại giao. Tuy nhiên, Mỹ vẫn sẽ duy trì chiến dịch "gây sức ép tối đa" nhằm kiềm tỏa chương trình hạt nhân của Triều Tiên tới khi có những động thái giải trừ hạt nhân cụ thể.
"Các biện pháp cấm vận vẫn sẽ được duy trì, sẽ không có gì thay đổi về chiến lược quốc phòng. Tổng thống chỉ đơn giản là ngồi xuống đàm phán để xem có thể đạt được một thỏa thuận hay không", Bộ trưởng Mnuchin cho biết.
Ông Mnuchin bác bỏ những chỉ trích cho rằng cuộc gặp giữa Tổng thống Trump và Nhà lãnh đạo Kim Jong Un sẽ làm tăng vị thế trên trường quốc tế cho Bình Nhưỡng. Vị bộ trưởng khẳng định "phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên" là mục đích của cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo.
Cũng trong ngày 11/3, Tổng thống Trump một lần nữa cho thấy niềm tin vào cuộc gặp sắp tới với lãnh đạo Triều Tiên. Ông Trump tin rằng Bình Nhưỡng đang muốn "xây dựng hòa bình".
"Chẳng ai biết được chuyện gì sẽ xảy ra. Có thể tôi sẽ nhanh chóng bỏ về, hoặc có thể chúng tôi sẽ cùng ngồi xuống và đạt được thỏa thuận tốt đẹp nhất cho toàn thế giới", BBC dẫn lời ông Trump phát biểu trước những người ủng hộ ở Pennsylvania.
Tổng thống Trump phát biểu về cuộc gặp với lãnh đạo Triều Tiên tại Pennsylvania hôm 11/3. Ảnh: AFP. |
Thông tin về việc ông Trump đồng ý gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên được công bố hôm 8/3 sau khi tổng thống Mỹ tiếp các quan chức từ Hàn Quốc. Trước đó, các quan chức này được cử đến Bình Nhưỡng để gặp ông Kim Jong Un và nhà lãnh đạo bày tỏ rằng ông muốn "gặp Tổng thống Trump càng sớm càng tốt".
Nếu sự kiện diễn ra theo kế hoạch, đây sẽ là lần đầu tiên một tổng thống đương nhiệm của Mỹ tiếp xúc trực diện với lãnh đạo của quốc gia Đông Bắc Á. Trước đó, hai tổng thống Jimmy Carter và Bill Clinton cũng từng đến Bình Nhưỡng nhưng đều là sau khi họ rời Nhà Trắng.