Người dân Crimea thể hiện sự vui mừng sau khi biết kết quả của cuộc trưng cầu dân ý hôm 16/3. Ảnh: Reuters |
Liên minh châu Âu (EU) công bố các biện pháp trừng phạt 21 quan chức Nga trong một cuộc họp của các ngoại trưởng tại thành phố Brussels, Bỉ hôm 17/3.
Linan Linkevicius, Ngoại trưởng Litva, thông báo trên mạng xã hội Twitter rằng EU nhất trí hạn chế đi lại, phong tỏa tài sản của 21 quan chức Nga, Ukraina để trừng phạt việc họ ủng hộ cuộc trưng cầu dân ý ở Crimea. Theo ông, EU sẽ áp dụng các biện pháp bổ sung trong vài ngày tới, sau một hội nghị thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo châu Âu tại Brussels, BBC đưa tin.
Cùng ngày, chính phủ Mỹ thông báo họ sẽ áp dụng các biện pháp trừng phạt tài chính đối với 7 nhà lập pháp, quan chức, cấp cao của Nga và 4 nhà lãnh đạo ở cộng hòa tự trị Crimea vì "phá hoại tiến trình dân chủ và các thể chế ở Crimea".
Ngoài ra, Nhà Trắng tuyên bố họ sẽ phong tỏa tài sản của một số cá nhân không thuộc chính phủ Nga nhưng ủng hộ cuộc trưng cầu dân ý ở Crimea.
Bộ Tài chính Mỹ sẽ trừng phạt 4 người Ukraina, bao gồm cựu Tổng thống Viktor Yanukovych, cựu cố vấn tổng thống và hai nhà lãnh đạo ly khai ở Crimea.
“Chúng tôi thực hiện các biện pháp trừng phạt để gửi một thông điệp mạnh mẽ đến chính phủ Nga rằng, họ sẽ chịu hậu quả vì hành động vi phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraina, bao gồm việc họ ủng hộ cuộc trưng cầu dân ý bất hợp pháp ở Crimea”, AP dẫn thông báo của Nhà Trắng.
Tổng thống Nga Vladimir Putin không phải đối tượng mà Mỹ trừng phạt, bởi Washington thường không nhằm vào nguyên thủ quốc gia ngay từ đầu. Tuy nhiên, các quan chức Mỹ nói những người mà Nhà Trắng trừng phạt có quan hệ khá thân cận với ông Putin.
Washington nói thêm rằng, nếu Moscow không tuân thủ các nghĩa vụ quốc tế và đưa quân trở lại vị trí ban đầu, tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraina, Mỹ sẽ thực hiện các biện pháp trừng phạt kinh tế bổ sung.