Động thái trên là một phần trong nỗ lực của chính quyền Mỹ nhằm giữ cho hàng trăm triệu USD không rơi vào tay Taliban, Wall Street Journal dẫn lời một nguồn tin biết về vấn đề này cho hay hôm 17/8.
Cũng theo những nguồn tin, Mỹ cũng đang chặn Taliban tiếp cập các tài khoản chính phủ do Cục Dự trữ Liên bang và các ngân hàng khác của Mỹ quản lý, đồng thời nỗ lực ngăn chặn lực lượng này tiếp cận khoản dự trữ trị giá gần nửa tỷ USD tại Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).
Những hành động này thể hiện dấu tích cuối cùng của đòn bẩy ngoại giao mà Washington hy vọng sẽ giúp ngăn chặn một cuộc khủng hoảng chính trị và nhân đạo ngày càng sâu sắc.
"Bất kỳ tài sản ngân hàng trung ương nào mà chính phủ Afghanistan có ở Mỹ sẽ không được chuyển cho Taliban", một quan chức chính quyền Biden cho biết.
Ngân hàng Afghanistan ở Kabul. Ngân hàng Trung ương nước này đang có 9 tỷ USD dự trữ, hầu hết đều được giữ ở nước ngoài. Ảnh: Bloomberg News. |
Khi Taliban giành được một số thủ phủ của các tỉnh trên toàn quốc và tiến tới Kabul vào tuần trước, Bộ Tài chính Mỹ đã đưa ra quyết định khẩn cấp hợp tác với Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York để tạm dừng vận chuyển tiền mặt.
Mặc dù Mỹ và các chính phủ đồng minh khác không công nhận Taliban là chính phủ hợp pháp của Afghanistan, việc lực lượng này kiểm soát các cơ quan chính của nhà nước, bao gồm Ngân hàng Trung ương và các văn phòng khác chứa kho bạc của chính phủ, giúp họ nắm giữ quyền lực trên thực tế.
“Về vấn đề chính sách, chúng tôi không thừa nhận hoặc thảo luận về các chủ tài khoản cá nhân” một quan chức Fed ở New York nói với Wall Street Journal.
“Theo thông lệ chung, chúng tôi liên lạc với các cơ quan chính phủ thích hợp của Mỹ để theo dõi các sự kiện có thể ảnh hưởng đến quyền kiểm soát của một ngân hàng trung ương nước ngoài”, quan chức này cho biết.
Ông Ajmal Ahmady, Thống đốc Ngân hàng Trung ương của Afghanistan, người đã bỏ trốn khỏi đất nước hôm 15/8, cho biết trong một cuộc phỏng vấn rằng ông đã biết vào hôm 13/6 rằng sẽ không có thêm lô đôla nào đến nhưng ông từ chối bình luận thêm về vấn đề này.
Ông Ajmal Ahmady, Thống đốc Ngân hàng Trung ương của Afghanistan, đã bỏ trốn khỏi đất nước hôm 15/8. Ảnh: Kabul Now. |
Ông cho biết Ngân hàng Trung ương có khoảng 9 tỷ USD dự trữ, gần như tất cả được giữ bên ngoài Afghanistan.
Với động thái chặn tiếp cận của Mỹ vào các nguồn dự trữ đó, “phần tiền mà Taliban có thể tiếp cận là gần 0,1%”, ông Ahmady cho biết hôm 17/8.
Ông Ahmady nói rằng các quan chức ngân hàng đã bắt đầu giảm lượng tiền mặt, bao gồm cả đôla Mỹ, được giữ tại các chi nhánh ngân hàng ở các trung tâm tỉnh vào đầu tháng này trong bối cảnh lo ngại về sự tiến công của Taliban.
Vào thời điểm thủ phủ lớn đầu tiên của tỉnh này rơi vào tay Taliban gần hai tuần trước, gần như tất cả đôla Mỹ đã được hồi hương, ông nói.
“Trong suốt thời kỳ này, không có đôla nào rơi vào tay Taliban trước khi Kabul thất thủ. "Tất cả đều được bảo vệ", ông Ahmady khẳng định.
Tuy nhiên, tốc độ Taliban tiếp quản đất nước vẫn khiến các quan chức ngân hàng ngạc nhiên.
Ông Ahmady cho biết ông đã dành ngày 13/8 để xử lý nhằm bảo vệ các hầm chứa của chi nhánh ngân hàng địa phương và bảo vệ nhân viên Ngân hàng Trung ương, cũng như xem xét khả năng suy thoái kinh tế.
Và vào ngày 14/8, ông đã gặp gỡ các ngân hàng tư nhân và các sàn giao dịch thị trường để cố gắng dập tắt cơn hoảng loạn về nguồn cung tiền tệ đang giảm dần.
IMF chưa đưa ra bình luận về vấn đề này.
Chính quyền Biden cũng đang hành động để tìm cách phong tỏa các tài sản khác ở nước ngoài của Afghanistan.
Ngoại trưởng Antony Blinken hôm 15/8 cảnh báo rằng Mỹ sẽ sử dụng sức mạnh tài chính của mình trong nỗ lực gây áp lực với Taliban trên một số mặt trận, bao gồm thông qua các biện pháp trừng phạt và hỗ trợ tài chính - vốn là yếu tố quan trọng để giữ cho nền kinh tế Afghanistan phát triển.