Các tác giả của báo cáo Đại chiến lược của Trung Quốc: Xu hướng, Quỹ đạo và Cạnh tranh lâu dài đưa ra phân tích và đánh giá về khả năng thành công của Trung Quốc trong việc đạt được các mục tiêu mà nước này đề ra đến năm 2050, theo South China Morning Post.
Họ đã xem xét bốn kịch bản có thể xảy ra, trong đó Trung Quốc hoặc "thắng lợi", có nghĩa là họ hoàn thành mọi mục tiêu của mình, hoặc "đang lên" - hoàn thành một số mục tiêu, nhưng không phải tất cả, hoặc "đứng yên" - không đạt được tham vọng, hoặc "nổ tung" - bị đe dọa.
Lực lượng an ninh Trung Quốc tại Tổng lãnh sự quán Mỹ ở Thành Đô, nơi đã bị Bắc Kinh yêu cầu đóng cửa để trả đũa việc Mỹ đóng cửa Tổng lãnh sự quán Trung Quốc tại Houston. Ảnh: AFP. |
Hai kịch bản khả năng nhất
Báo cáo, được biên soạn cho quân đội Mỹ và được công bố vào tuần trước, kết luận rằng hai kịch bản "đang lên" và "đứng yên" là có thể xảy ra nhất. Dù vậy, các nhà nghiên cứu cho rằng Mỹ cần sẵn sàng cho cả trường hợp Trung Quốc "thắng lợi".
"Chuẩn bị cho một Trung Quốc thắng lợi hoặc đang lên dường như là điều khôn ngoan nhất đối với Mỹ bởi vì những kịch bản này phù hợp với xu hướng phát triển quốc gia hiện tại của Trung Quốc và là kịch bản về tương lai thách thức nhất đối với quân đội Mỹ", báo cáo nói.
Quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc đang ở điểm thấp nhất trong nhiều thập kỷ, khi hai bên xung đột trong một loạt vấn đề, từ thương mại và công nghệ cho đến Đài Loan, Biển Đông.
Các nhà nghiên cứu loại trừ khả năng hai nước có "quan hệ đối tác gần gũi" trong tương lai, nói rằng "điều này trước giờ luôn khó xảy ra, và giờ đây càng không có khả năng xảy ra, dù nhỏ".
Nghiên cứu cho biết mối quan hệ mà hai nước đã có trong năm 2018 chỉ có thể đạt được trong tương lai nếu Trung Quốc "đứng yên".
Trong trường hợp Trung Quốc "đang lên", quan hệ kinh tế, ngoại giao và quân sự giữa hai nước sẽ khó dự đoán trong trung và dài hạn, theo báo cáo.
Nghiên cứu đề xuất Mỹ tăng ngân sách quân sự ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, cũng như nâng cao năng lực phối hợp chiến đấu.
Khả năng can dự mọi tầng nấc
"Vì Trung Quốc, đến giữa thập niên 2030, có lẽ sẽ đủ khả năng can dự mọi tầng nấc xung đột khắp khu vực rộng lớn, quân đội Mỹ, với tư cách một phần của lực lượng chung, sẽ cần phải có khả năng ứng phó ngay lập tức với các cuộc khủng hoảng hoặc các tình huống bất ngờ xảy ra vào nhiều thời điểm khác nhau của cuộc cạnh tranh", báo cáo nói.
Điều này có nghĩa là quân đội Mỹ sẽ phải "tối ưu hóa các đơn vị chủ chốt cũng như năng lực sẵn sàng không vận và hải vận để điều quân tham chiến nhanh chóng hoặc đưa quân đến điểm nóng trước khi trận chiến nổ ra".
"Quân khu Thái Bình Dương, trong tương lai gần, có thể sẽ vẫn là lực lượng chủ yếu tại những nơi có tranh chấp trên biển, trên không, tuy nhiên, quân đội Mỹ phải ưu tiên phát triển năng lực để phù hợp với các mục tiêu lực lượng chung lớn hơn", báo cáo nói.
Theo cáo cáo, trong khi phần lớn trọng tâm của quân đội Mỹ sẽ vẫn dành cho châu Âu, sự trỗi dậy lâu dài của Trung Quốc đòi hỏi Washington tăng cường đầu tư quân sự tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Dù phải đối mặt với suy thoái kinh tế nghiêm trọng hơn so với dự kiến, Bắc Kinh sẽ tiếp tục ưu tiên phát triển quân đội trong 10-15 năm tới, các nhà nghiên cứu của Rand nhận định.
"Trung Quốc có ý định đạt được lợi thế quân sự từ các công nghệ chủ chốt như điện toán lượng tử và liên lạc, trí tuệ nhân tạo và công nghệ sinh học", báo cáo nói.
"Thành công trong những lĩnh vực này và các lĩnh vực liên quan sẽ quyết định bản chất của cạnh tranh Mỹ - Trung và cạnh tranh quân sự toàn cầu trong 30 năm tới, ở mức độ lớn".