Giới chức Bộ Ngoại giao và Bộ Năng lượng Mỹ cuối tuần qua đã bắt đầu xem xét khả năng chuyển các vũ khí hạt nhân của nước này khỏi căn cứ không quân Incirlik tại Thổ Nhĩ Kỳ, theo New York Times.
Truyền thông Mỹ tiết lộ không quân đang cất giữ gần 50 quả bom nhiệt hạch B61 tại căn cứ của Thổ Nhĩ Kỳ. Bộ Năng lượng Mỹ chịu trách nhiệm giám sát các kho vũ khí hạt nhân quốc gia.
Người phát ngôn Không quân Mỹ Ann Stefanek không đưa ra bình luận liệu vũ khí hạt nhân có đặt tại căn cứ Incirlik hay Washington có dự tính di dời số vũ khí này hay không.
Ảnh chụp vệ tinh căn cứ Incirlik của Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng 10/2018. Ảnh: Google Earth. |
Đại diện không quân Mỹ cho biết các hoạt động hàng ngày tại căn cứ sẽ không thay đổi bất chấp chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ ở phía bắc Syria.
"Sứ mệnh của Không đoàn 39 tại căn cứ Incirlik là đảm bảo các hoạt động trên không với độ chắc chắn và tính liên tục cho Mỹ, các đồng minh và đối tác, giúp bảo vệ những lợi ích của NATO và Mỹ tại khu vực phía nam. Lực lượng đảm bảo duy trì một căn cứ không quân nhạy bén và sẵn sàng triển khai sức mạnh hiệp đồng trên không ở tiền tuyến", Stefanek trả lời Air Force Times.
Trong khi đó, một quan chức cấp cao tiết lộ với New York Times rằng số đầu vũ khí hạt nhân ở Incirlik đang trở thành "con tin" của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan.
Việc di dời số vũ khí này khỏi Thổ Nhĩ Kỳ có thể chấm dứt luôn quan hệ đồng minh, nhưng giữ vũ khí tại căn cứ sẽ đồng nghĩa với rủi ro từ chiến dịch quân sự ở Syria.
Thành viên Không đoàn Không vận 62 cố định bom hạt nhân B83 trên chiếc máy bay vận tải C-17 trong hoạt động kiểm tra năm 2009. Ảnh: USAF. |
Mỹ chưa bao giờ công khai xác nhận hay phủ nhận vũ khí hạt nhân đặt tại căn cứ Incirlik.
Tuy nhiên, sự hiện diện của số vũ khí này tại căn cứ Thổ Nhĩ Kỳ từ lâu được giới quan sát xem là "bí mật mà ai cũng biết". Đầu năm 2019, một thượng nghị sĩ Canada, đồng minh của Mỹ trong liên minh NATO, vô tình đăng tải tài liệu có vị trí một số căn cứ đang cất giữ vũ khí hạt nhân Mỹ, trong đó có Incirlik.
Cựu bộ trưởng không quân Mỹ, Deborah Lee James, từng nhận định kịch bản di dời vũ khí hạt nhân khỏi căn cứ sẽ vô cùng phức tạp. Washington sẽ phải đàm phán tìm nơi tiếp nhận số đầu đạn này, đồng thời huy động nguồn lực lớn đển vận chuyển và đảm bảo an toàn cho số vũ khí.
Tuy nhận định như vậy, bà vẫn từ chối xác nhận liệu vũ khí hạt nhân có nằm ở căn cứ Thổ Nhĩ Kỳ hay không.
Kịch bản này bắt đầu được đề cập sau cuộc đảo chính bất thành ở Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 2016. Các lo ngại tăng trở lại trong năm 2019, giữa lúc quan hệ Washington - Ankara thêm căng thẳng vì thỏa thuận mua S-400 từ Nga của Tổng thống Erdogan.