Ngày 10/10, quan chức cao cấp Mỹ giấu tên lên án cuộc xâm lược của Thổ Nhĩ Kỳ, nói chiến dịch này “gây nguy hiểm cho các đồng minh của chúng ta trong cuộc chiến chống khủng bố... và gây bất ổn cho toàn bộ khu vực”, theo Guardian.
Trong ngày thứ hai cuộc xâm lược của Thổ Nhĩ Kỳ, con số thương vong đang tăng lên do hai bên nã pháo dọc biên giới Thổ Nhĩ Kỳ - Syria. Nhưng không rõ lằn ranh của Mỹ thực sự là ở đâu vì chính quyền Mỹ và Tổng thống Trump đang gửi đi những tín hiệu mâu thuẫn, theo Guardian.
Lính Thổ Nhĩ Kỳ và các lực lượng liên minh đụng độ với Lực lượng Dân chủ Syria (SDF), chủ yếu là người Kurd, ở vài thị trấn biên giới, buộc hàng chục nghìn dân thường phải rời bỏ nhà cửa.
Khói bốc lên từ thị trấn Syria giáp biên giới, Tel Abyad, sau khi quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tiến vào khu vực. Ảnh: Getty Images. |
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã đe dọa sẽ “mở cổng và để 3,6 triệu dân tị nạn” người Syria từ nước của ông di cư sang châu Âu, nếu các lãnh đạo châu Âu gọi chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ ở đông bắc Syria là “xâm lược”.
Quan chức Mỹ giấu tên cho biết các cơ chế an ninh chung tại khu vực do Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ lập ra, bao gồm khu phi quân sự và tuần tra chung, đã vận hành tốt, nhưng ông Erdogan đã đột ngột từ bỏ trong cuộc điện đàm ngày 6/10 với Tổng thống Trump.
“Ông ấy (Erdogan) nói sẽ làm theo ý của riêng mình và đi theo lập trường mạnh tay nhất của người Thổ Nhĩ Kỳ - đó là đẩy ra 30 km”, vị quan chức này nói.
“Trong khu vực đó, riêng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ chịu trách nhiệm an ninh và các vấn đề khác”, người này nói, và cho biết thêm kế hoạch của ông Erdogan bao gồm chuyển 4 triệu người tị nạn Syria đang sống ở Thổ Nhĩ Kỳ về nước.
Vị quan chức này cũng nói thêm những hành động nào của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ buộc Mỹ phải trừng phạt.
“Nếu có sự thanh trừng sắc tộc. Nếu có hành động nã pháo, không kích hay sử dụng các hỏa lực khác một cách bừa bãi nhắm vào dân thường”, người này nói. “Chúng tôi đang tính toán như vậy. Chúng tôi chưa thấy các hành động đó”.
Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc không thể đạt đồng thuận về vụ xung đột này ngày 10/10.
Các nước châu Âu lan truyền bản tuyên bố chung kêu gọi dừng ngay cuộc tấn công. Mỹ đưa ra các ý kiến chỉ trích nhẹ nhàng hơn. Phái đoàn Nga lại muốn lên án cả Mỹ lẫn các lực lượng đồng minh hỗ trợ người Kurd ở đông bắc Syria, vì “sự xâm lược phi pháp” lãnh thổ Syria. Các cuộc thương thảo kết thúc trong bất đồng.