Tổ chức Đài quan sát Nhân quyền Syria ghi nhận được ít nhất 16 người thuộc Các lực lượng Dân chủ Syria (SDF), với nòng cốt là dân quân người Kurd, thiệt mạng tại 2 thị trấn Tal Abyad và Ras al-Ain ở phía bắc Syria, theo New York Times.
Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ từ ngày 9/10 mở đợt tiến công bằng không quân và bộ binh vào nhiều cứ điểm trọng yếu dọc biên giới hai nước. Tổng thống Recep Tayyip Erdogan muốn tạo một vùng đệm sâu 30 km vào lãnh thổ Syria và trải dài 120 km từ Tal Abyad đến Ras al-Ain để chia cắt người Kurd ở nước láng giềng với lực lượng ly khai trong nước.
Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành không kích trong vòng 6 tiếng tại nhiều cứ điểm, sau đó đưa bộ binh vào vùng đất vào lãnh thổ phía bắc Syria. Thông cáo của SDF sau đó khẳng định đã bẻ gãy đợt tiến công này.
Nhóm quan sát phi chính phủ cho biết ít nhất 33 nhân sự thuộc SDF bị thương sau các đợt tấn công.
Một trong những cứ điểm của người Kurd bị đánh phủ đầu bởi không quân và pháo binh Thổ Nhĩ Kỳ, mở đường cho bộ binh tiến công. Ảnh: AP. |
Trong thông cáo ngày 9/10, Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Hulusi Akar nói mục tiêu của chiến dịch là "bảo đảm bảo an ninh biên giới và sự an toàn của nhân dân". Ông xem lực lượng người Kurd và tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đều là mối đe dọa.
Tal Abyad là một trong những cứ điểm Thổ Nhĩ Kỳ tập trung nhiều hỏa lực nhất. Thị trấn bị nhấn chìm trong tiếng súng và tia lửa đạn. Pháo kích giảm vào tối 9/10 và bộ binh Thổ Nhĩ Kỳ tìm cách tiến vào chiếm cứ. Tình hình trở nên yên ắng vào sáng 10/10, theo thông tấn xã Anadolu.
Dù có động thái "bật đèn xanh" cho Thổ Nhĩ Kỳ tiến quân vào phía bắc Syria, Tổng thống Trump ngày 9/10 vẫn lên án chiến dịch là "một ý tưởng tồi". Ông cảnh báo Thổ Nhĩ Kỳ sẽ gánh chịu trừng phạt kinh tế nếu có hành động "vượt quá giới hạn", nhưng không nói cụ thể "giới hạn" là gì.
Nhiều chuyên gia nhận định việc dùng vũ lực và giết hại dân quân người Kurd để chiếm cứ điểm chiến lược có thể là "lằn ranh đỏ" đối với Tổng thống Trump và quốc hội Mỹ.
Nghị trường Mỹ tuần này dậy sóng trước quyết định rút quân của Tổng thống Trump, để cho đồng minh từng kề vai sát cánh chống khủng bố phải đơn độc đối phó Thổ Nhĩ Kỳ. Sự hiện diện của các đơn vị Mỹ ở phía bắc Syria thời gian qua được xem là lý do khiến Ankara không động binh.