Lầu Năm Góc và các cơ quan khác của Mỹ vẫn sử dụng nền tảng công nghệ lạc hậu để thực hiện các nhiệm vụ quan trọng, bao gồm hoạt động vận hành kho vũ khí hạt nhân.
Hệ thống vũ khí hạt nhân của Mỹ vẫn dùng đĩa mềm. Ảnh: Jalopnik. |
Báo cáo của Văn phòng Trách nhiệm giải trình Chính phủ Mỹ (GAO) cho biết, đơn vị chỉ huy và kiểm soát của Lầu Năm Góc chuyên về chức năng phối hợp các hoạt động của lực lượng hạt nhân quốc gia nước này vẫn sử dụng loại đĩa mềm 8 inch để lưu trữ thông tin và vận hành bằng dòng máy tính IBM / Series 1 sản xuất từ năm 1976.
Các cơ quan khác bao gồm Bộ Tài chính và Bộ cựu chiến binh cũng chịu chung cảnh ngộ khi phải dùng hạ tầng công nghệ thông tin có ít nhất 50 năm tuổi.
Báo cáo mới của chính phủ Mỹ lo ngại về tình trạng lạc hậu công nghệ. Ảnh: Theverge. |
Bản báo cáo thêm một lần nữa bày tỏ mối lo ngại an ninh về việc sử dụng các thiết bị lạc hậu và khoản chi phí khổng lồ phát sinh liên quan tới công tác bảo trì, bảo dưỡng hệ thống. Theo GAO, ngân sách liên bang năm 2015 đã phải chi 61,2 tỷ USD để duy trì hệ thống cũ kĩ này, trong đó chỉ 19,2 tỷ USD tập trung vào hướng cập nhật công nghệ.
Lầu Năm Góc cho biết, đơn vị chỉ huy và điều khiển vũ khí hạt nhân sẽ loại bỏ hoàn toàn đĩa mềm vào cuối năm 2017 và tiến tới hiện đại hóa toàn bộ hệ thống vào năm 2020.
Mỹ dự kiến bỏ hoàn toàn đĩa mềm khỏi hệ thống công nghệ thông tin chính phủ. Ảnh: GAO. |
“Trong ngắn hạn, hệ thống này vẫn được sử dụng bởi nó còn hoạt động tốt”, Trung tá Valerie Henderson, phát ngôn viên của Lầu Năm Góc trả lời AFP.
Văn phòng Quản lý và Ngân sách Mỹ đã đưa ra một sáng kiến để thay thế cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin cũ, nhưng vẫn đang trong quá trình hoàn thiện. Cho đến khi đề án được triển khai, chính phủ Hoa Kỳ nhiều khả năng vẫn phải “sống chung” với điều kiện kỹ thuật lạc hậu trong thời gian tới.