Công nghệ trở thành tâm điểm trong cuộc chiến thương mại giữa hai cường quốc Mỹ và Trung Quốc. Ở đó, liên minh của Mỹ tỏ rõ sự vượt trội, đặc biệt ở mảng chip và các thành phần cần thiết cho smartphone, máy tính và mạng di động.
Cảm biến gia tốc MEMS hay vi mạch cấu trúc mảng logic (FPGA) xa lạ với người dùng nhưng là yếu tố quan trọng trong cuộc chiến này. Cho tới nay, Trung Quốc thất thế về mọi mặt dù đã đầu tư hàng tỷ USD.
Trung Quốc quyết tâm thực hiện kế hoạch "Made in China 2025". Ảnh: VCG. |
Phía Mỹ có nhiều lợi thế nhưng “lệnh cấm” Huawei có thể làm người Trung Quốc bừng tỉnh. Họ có thể nỗ lực gấp đôi để thu hẹp khoảng cách công nghệ, theo Washington Post.
Trung Quốc muốn "độc lập về công nghệ"
Tờ WashingtonPost nhận định, hành động của Tổng thống Trump, dù dựa trên mối lo ngại về an ninh quốc gia, có thể mang về nhiều điểm bất lợi cho Mỹ. Điều đó vô tình tạo ra đối thủ mới trong ngành công nghiệp vốn bị chi phối bởi các công ty phương Tây như Qualcomm, Intel, ARM và nhiều cái tên khác.
Trung Quốc mong muốn thúc đẩy tiến trình “độc lập bán dẫn”. Giới chuyên gia tin rằng nước này đang thực hiện tham vọng đó bất kể chiến tranh thương mại có chấm dứt hay không.
“Dù thế nào đi nữa, chính phủ và các công ty Trung Quốc sẽ cố gắng thay thế dần chuỗi cung ứng của Mỹ. Họ chắc chắn không muốn đứng ở sân chơi mà người Mỹ lúc nào cũng giành chiến thắng”, Stewart Randall, người đứng đầu công ty tư vấn bán dẫn Intralink tại Thượng Hải nhận định.
Cảm biến gia tốc MEMS là bộ phận giúp điện thoại cảm nhận chuyển động. Nếu thiếu chi tiết này, màn hình smartphone không tự xoay theo chiều dọc hay chiều ngang được. Cảm biến còn chỉ cho người dùng biết nên đi hướng nào khi dùng GPS. Hơn hết, chúng là chìa khóa để phát triển ứng dụng thực tế ảo tăng cường, tức có thể đặt đối tượng ảo vào thế giới thực từ màn hình thiết bị.
Những cảm biến này có kích thước nhỏ hơn một hạt cát, được bán với giá 10-50 cent. Mức giá thấp không đồng nghĩa với việc chúng dễ sản xuất. Các công ty Mỹ, Đức, Pháp và Nhật Bản tạo ra quy trình tiên tiến trong phòng thí nghiệm với độ bảo mật cao.
Các thành phần trong máy đo gia tốc siêu nhỏ khiến chúng không thể tách rời và sao chép. Nếu muốn cạnh tranh, một công ty sẽ phải phát triển công nghệ từ đầu hoặc bằng cách nào đó có được sơ đồ chi tiết về quy trình lắp ráp.
“Nếu họ không được phép mua các bộ phận từ công ty của Mỹ, chắc chắn họ sẽ gặp nhiều rắc rối”, Stacy Rasgon, một nhà phân tích cao cấp trong ngành bán dẫn Mỹ trả lời tờ Bernstein Research.
Một công nhân lắp ráp linh kiện điện thoại tại nhà máy ở Đông Quản, Trung Quốc. Ảnh: AFP. |
Những vi xử lý lớn và ít phức tạp có thể được phát triển dựa trên mô phỏng máy tính. Nhưng chip MEMS quá nhỏ để làm điều đó. Quá trình xây dựng phải mất nhiều năm với hàng loạt thử nghiệm lớn nhỏ.
Các chuyên gia cho rằng một “chu kỳ phát triển” thường là 18 tháng và nếu một công ty nào đó muốn đạt tới tầm nhất định phải trải qua 3 chu kỳ như vậy.
Trung Quốc chưa đạt tới trình độ như Mỹ
Trong quá khứ, các công ty bán dẫn Trung Quốc không có động lực phát triển công nghệ tiên tiến như gia tốc kế, vì họ có thể mua chúng từ phương Tây với mức giá siêu rẻ. Giờ đây, với lệnh cấm của Mỹ, họ sẽ phải tự thiết kế chip.
“Cuối cùng thì họ cũng sẽ đạt tới trình độ đó, nhưng không thể một sớm một chiều”, James A.Lewis, chuyên gia chính sách công nghệ tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế trụ sở tại Washington thẳng thắn chia sẻ.
Nhưng số khác lại không nghĩ Trung Quốc sẽ phải mất nhiều thời gian. Sáng lập viên Mobile Experts tại Los Gatos, nhà phân tích Joe Madden nhớ lại khoảng thời gian cuối những năm 1990 khi làm việc cho một công ty sở hữu thành phần độc quyền mạng di động. Họ băn khoăn liệu có nên bán sản phẩm cho Huawei hay không.
Lệnh trừng phạt Huawei của Mỹ khiến Trung Quốc bừng tỉnh. Ảnh: Getty. |
Madden cho biết công ty chỉ dự đoán Huawei phải mất khoảng 3 năm để tạo ra phiên bản riêng. Nhưng trên thực tế, gã khổng lồ trung Quốc chỉ mất hai tháng.
Các bộ phận cốt lõi của thiết bị điện tử phần lớn sở hữu công nghệ của Hoa Kỳ và đồng minh. Tuy nhiên, Madden cho rằng, chúng có thể được người Trung Quốc sao chép ở đâu đó. Huawei sẽ phải “dùng tạm” những sản phẩm chưa hoàn thiện và chấp nhận smartphone của mình trở nên cồng kềnh hơn.
“Tôi nghĩ quá trình sẽ phải mất 2 tới 3 năm nữa. Họ có thể chấp nhận bất lợi về hiệu suất và thời lượng pin một thời gian. Nhưng cuối cùng thì họ sẽ đuổi kịp chúng ta một ngày nào đó”, Madden cảnh báo.
Thành phần quan trọng khác phải kể đến FPGA, viết tắt của “Field-programmable gate array” là một loại mạch tích hợp cỡ lớn dùng cấu trúc mảng phần tử logic mà người dùng có thể lập trình.
Nó được sử dụng trong các trạm phát 5G tiên tiến nhất. Huawei đã mua thiết bị này từ Xilinx trụ sở tại Mỹ để điều hướng lưu lượng không dây và thực hiện các tác vụ chuyên dụng giúp công nghệ 5G hoạt động. FPGA được đánh giá cao nhờ tính linh hoạt.
Xây dựng mạch tích hợp FPGA hết sức phức tạp. Một khối duy nhất chứa hàng tỷ bóng bán dẫn, tất cả có thể được lập trình lại với phần mềm máy tính. Nhưng ở đó, không có ngôn ngữ mã hóa tiêu chuẩn nào cho các GPU. Nhà sản xuất phải tạo ra phần mềm tùy chỉnh tương thích với từng bóng bán dẫn.
Đó là nhiệm vụ rất khó ngay cả với tên tuổi lớn như Intel. Gã khổng lồ California đã phải trả 17 tỷ USD để mua lại công nghệ FPGA của Altera năm 2015.
Hadi Esmaeilzadeh, giáo sư khoa học máy tính tại Đại học California, San Diego cho rằng, Trung Quốc sẽ đối mặt với nhiều thách thức để hoàn thiện một vi mạch mà phần mềm tương thích hoàn hảo với phần cứng như vậy.
Có những dấu hiệu cho thấy, Huawei và chính phủ Trung Quốc đã dự trù trước cho kịch bản tồi tệ xảy ra. Từ năm 2015 trở lại đây, lãnh đạo nước này đã phát động kế hoạch "Made in China 2025" nhằm đề cao tính độc lập trong phát triển hàng loạt ngành công nghiệp trọng yếu, bao gồm cả việc sản xuất chất bán dẫn.
Trung Quốc mạnh tay chi hơn 100 tỷ USD cho ngành công nghiệp bán dẫn và tạo điều kiện cho các công ty chip phát triển, như HiSilicon của Huawei. Tuy nhiên, vi xử lý của nước này chủ yếu dựa vào các bản thiết kế của ARM.
Trong khi, gã khổng lồ nước Anh đã nói lời “từ biệt” hồi cuối tháng 5. Đã tới lúc người Trung Quốc phải tự đứng dậy bằng chính công nghệ của mình thay vì phải dựa dẫm vào Mỹ và phương Tây.