Ngày 11/3, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố cấm toàn bộ dòng di chuyển từ các nước châu Âu tới Mỹ từ ngày 13/3 và kéo dài trong vòng 30 ngày. Lệnh cấm nhập cảnh này không áp dụng với Anh, nước đồng minh của Mỹ.
Thị trường chứng khoán Mỹ lập tức rơi tự do sau tuyên bố của Tổng thống Trump. Ông chủ Nhà Trắng sau đó phải đưa ra lời giải thích trên Twitter: “Xin các quốc gia và doanh nghiệp hãy nhớ rằng thương mại sẽ không bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm nhập cảnh từ châu Âu. Lệnh hạn chế dành cho người chứ không phải hàng hóa”.
Tuy nhiên, giới phân tích nhận định động thái của ông Trump sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế Mỹ và châu Âu. Financial Times dẫn lời ông Edward Alden thuộc Hội đồng Quan hệ Đối ngoại chỉ trích đây là một động thái “thiếu suy nghĩ” vì thực tế virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) đã lan rộng trên khắp nước Mỹ.
Chứng khoán Mỹ rơi tự do sau động thái của Tổng thống Donald Trump. Ảnh: New York Post. |
Thị trường đỏ lửa
Sau khi ông Trump thông báo quyết định trên, thị trường chứng khoán Mỹ lao dốc. Theo CNBC, cả 3 chỉ số chứng khoán quan trọng của Mỹ là S&P 500, Dow Jones và Nasdaq đều sụt giảm 5%.
Như vậy, chỉ số Dow đã bốc hơi tới 20% kể từ đỉnh cao ngày 19/2 và chính thức kết thúc giai đoạn tăng trưởng. Trong khi đó, tại châu Á, chỉ số Topix (Nhật Bản) giảm 3%, Hang Seng (Hong Kong) lao dốc 2,3%, Kospi (Hàn Quốc) bay hơi 2,4%.
Các nhà đầu tư có cơ sở để lo lắng trước động thái của ông Trump trong bối cảnh kinh tế toàn cầu lao đao vì dịch virus corona và biến động giá dầu. “Lệnh cấm nhập cảnh từ châu Âu khiến tất cả đều hoảng hồn”, New York Times dẫn lời chuyên gia Khoon Goh - người đứng đầu bộ phận nghiên cứu châu Á tại ANZ (Singapore) - nhận định.
“Chúng tôi hiểu tác động đến kinh tế là rất đáng kể, nhưng với biện pháp bổ sung này, tác động sẽ tăng gấp bội đối với các doanh nghiệp. Tổn thất kinh tế trong ngắn hạn là rất lớn”, ông nói thêm.
“Ông Trump đã đưa ra những biện pháp mà ông ta cho là cứng rắn, nhưng các biến động trên thị trường chứng khoán cho thấy nó không đủ để trấn an các nhà đầu tư. Giờ, chúng ta đang rơi vào thế khó”, Reuters dẫn lời chuyên gia Junichi Ishikawa tại IG Securities (Tokyo, Nhật Bản) bình luận.
Dòng di chuyển giữa Mỹ và châu Âu sẽ bị chặn đứng. Ảnh: Washington Post. |
Theo Cơ quan Di chuyển và Du lịch Quốc gia Mỹ (NTTO), tính riêng trong 2019, có khoảng 14,56 triệu người di chuyển từ khu vực Tây Âu và 1,1 triệu người từ Đông Âu đến Mỹ.
Tính từ đầu năm đến ngày 20/1 (trước khi dịch virus corona bùng phát), số du khách từ Tây Âu và Đông Âu đến Mỹ lần lượt là 784.718 và 86.020 người. Lệnh cấm nhập cảnh của ông Trump sẽ chặn đứng dòng di chuyển này, gây thiệt hại đáng kể đến ngành hàng không, du lịch, thương mại và dịch vụ nước Mỹ.
Theo ông Scott Solombrino, Giám đốc điều hành tại Hiệp hội Du lịch Kinh doanh Toàn cầu, ngành du lịch toàn cầu đã chuẩn bị cho các lệnh giới hạn đối với Đức và Italy, hai nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch virus corona chủng mới.
Tác động đến kinh tế, tiêu dùng và niềm tin
Tuy nhiên, không ai lường trước việc ông Trump tuyên bố lệnh cấm di chuyển đến Mỹ đối với toàn châu Âu ngoại trừ Anh. “Mọi người hoàn toàn mất cảnh giác”, ông Solombrino nhận định.
Hàng không là một trong những ngành công nghiệp hứng chịu thiệt hại nặng nề nhất từ dịch virus corona có nguồn gốc từ Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc). Theo Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế, doanh thu của các hãng bay trên toàn cầu sẽ giảm 63-113 tỷ USD trong năm nay vì dịch bệnh.
“Mọi người muốn biết thiệt hại là bao nhiêu, nhưng không ai có thể trả lời câu hỏi. Bởi chúng ta không biết dịch virus corona sẽ còn tệ hại đến mức nào và phản ứng của chính phủ ra sao”, chuyên gia Mark Matthews tại Bank Julius Baer & Co. nói.
“Nhưng rõ ràng lệnh ngừng di chuyển giữa Mỹ và châu Âu sẽ có tác động đáng kể đến nền kinh tế, người tiêu dùng và niềm tin kinh doanh. Dự đoán tăng trưởng toàn cầu năm nay lao dốc xuống tăng trưởng âm, nhưng là -2%, -3% hay -10%?”, ông Mark nói thêm.
Theo nhiều nhà phân tích, đối với cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng này, lẽ ra chính quyền Tổng thống Trump nên tập trung hạn chế sự lây lan của virus corona chủng mới nhằm bảo vệ sức khỏe người Mỹ và đảm bảo nền kinh tế.
Nhiều quan chức ngoại giao Mỹ cũng không biết rõ kế hoạch tiếp theo của ông Trump. Ảnh: AP. |
Tuy nhiên, Tổng thống Trump thậm chí không đề cập đến việc chính quyền sẽ giải quyết tình trạng thiếu bộ dụng cụ xét nghiệm virus corona chủng trên khắp nước Mỹ ra sao, theo Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Chuck Schumer và Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi.
“Tôi rất kinh ngạc. Ông Trump tưởng đây là một giải pháp. Chúng ta nghĩ rằng có thể ngăn chặn virus corona lây lan đến Mỹ. Nhưng sự thật là nó đã thực sự ở bên trong biên giới nước Mỹ rồi”, chuyên gia J. Stephen Morrison - Giám đốc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế - chỉ trích.
Theo The Hill, ông Tom Bossert, cựu cố vấn an ninh quốc gia của ông Trump, cũng nhận định việc ông chủ Nhà Trắng chặn dòng di chuyển giữa châu Âu và Mỹ là quá trễ và không có nhiều tác dụng. "Đây là cách sử dụng thời gian và công sức rất lãng phí bởi ở Mỹ đã có hơn 1.300 ca nhiễm Covid-19, tương đương một số quốc gia châu Âu", ông Bossert nhấn mạnh.