Theo Reuters, cổ phiếu trên sàn chứng khoán châu Âu đang trên đà giảm mạnh xuống mức thấp nhất trong gần 4 năm. Chỉ số STOXX 600 trượt dốc 7,7% vào phiên chiều tại sàn giao dịch London. Cổ phiếu ngành du lịch và giải trí cũng chạm đáy thấp nhất trong hơn 6 năm khi lao dốc mạnh 11,2%.
Sắc đỏ bao phủ thị trường đẩy chỉ số MSCI All-Country World Index của 49 quốc gia vào trạng thái “thị trường gấu”, giảm 20% so với mức đỉnh 52 tuần trước đây.
Phản ứng bán tháo của thị trường được giải thích do quyết định dừng khai thác một tháng các chuyến bay châu Âu của Tổng thống Donald Trump. Cùng với đó, Ngân hàng Trung ương châu Âu quyết định không hạ lãi suất, dù tuyên bố sẽ có gói kích thích kinh tế để giúp đối phó đại dịch Covid-19. Điều này khiến giới đầu tư thất vọng và khiến giá cổ phiếu lao dốc.
Tổng thống Trump ban hành lệnh cấm di chuyển từ châu Âu (trừ Anh) trong vòng 30 ngày để ngăn chặn dịch Covid-19. Ảnh: Reuters. |
Biến động mạnh từ thị trường chứng khoán khiến giới đầu tư đua nhau tháo chạy khỏi chứng khoán, đổ xô vào các tài sản trú ẩn an toàn như trái phiếu, vàng hay đồng yên và đồng Thụy Sĩ.
Bitcoin ghi nhận cú trượt 25% trong sự biến động mạnh mẽ trên thị trường tiền điện tử.
Tại Phố Wall, hợp đồng tương lai S&P giảm mạnh tới 5% trong giờ giao dịch châu Âu, chỉ một ngày sau khi trượt dốc 4,89%. “Thị trường gấu” cũng bao trùm sàn chứng khoán Mỹ khi các chỉ số giảm kỷ lục ở mức 20%. Down Jones đã phải ngưng giao dịch 15 phút lần thứ 2 trong tuần này.
Trên thị trường châu Á, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản hạ 4,4% xuống đáy trong hơn 3 năm, trong khi chỉ số châu Á - Thái Bình Dương trừ Nhật Bản giảm 5%.
Chỉ số Kospi trên sàn giao dịch Seoul (Hàn Quốc) cũng trên đà giảm tốc lên tới 4,8% trong khi việc bán tháo ồ ạt khiến thị trường Hàn Quốc tạm ngừng giao dịch.
Chỉ số SETI tại Thái Lan ghi nhận mức trượt 10,8% - thấp kỷ lục trong 8 năm gần đây.
Trong khi đó, giá dầu cũng chịu ảnh hưởng nặng nề trước biến động thất thường của thị trường. Ngoài ra, giữa cuộc chiến giá cả ngày càng gay gắt giữa Ả Rập Saudi và Nga, nền kinh tế thế giới đang đứng trước mối lo về sự suy giảm nghiêm trọng trong tương lai.
Theo Reuters, dầu thô CLc1 của WTI giảm 6,06% xuống còn 30,98 USD/thùng. Dầu thô Brent cũng trượt 6,5% xuống còn 33,46 USD/thùng.