Quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Ảnh: Kyodo |
Trong sự kiện tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), ở thủ đô Washington, Mỹ ngày 27/1, Đô đốc Harry Harris, Chỉ huy Bộ tư lệnh Thái Bình Dương của Hải quân Mỹ, nhắc lại cam kết của nước này trong hiệp ước an ninh song phương đã ký với Nhật Bản. Đô đốc Harris còn gọi Trung Quốc là “kẻ xâm lược tiềm tàng”, Kyodo đưa tin.
Các nhà lãnh đạo Mỹ, trong đó có Tổng thống Barack Obama, từng nhiều lần nhắc lại nội dung hiệp ước an ninh năm 1960, buộc quân đội Mỹ bảo vệ Nhật Bản trong trường hợp quốc gia này bị tấn công, bao gồm cả các sự việc xảy ra trên quần đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư). Tuy nhiên, Mỹ thường không chỉ rõ “kẻ xâm lược tiềm tàng” trong các tuyên bố của mình. Washington cho biết họ không đứng về phía nào trong các tranh chấp chủ quyền trên biển.
Theo Đô đốc Harris, tình hình xung quanh quần đảo Senkaku có thể leo thang đến mức buộc quân đội Mỹ phải can dự. Trung Quốc thường xuyên đưa tàu vào vùng lãnh hải của Nhật Bản quanh đảo Senkaku/Điếu Ngư, điểm nóng bất đồng giữa Tokyo và Bắc Kinh.
Ông Harris cũng cảnh báo về các hoạt động cải tạo đơn phương của Trung Quốc trên Biển Đông, động thái mà Mỹ khẳng định là sự đe dọa tới ổn định khu vực. Đô đốc Hải quân Mỹ khẳng định cơ sở Trung Quốc xây dựng phi pháp trên đá Chữ Thập, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, “rõ ràng là hành động quân sự hóa hoặc hỗ trợ đáng kể cho các lực lượng quân sự đang hiện diện ở đó”.
Mỹ nhiều lần bác bỏ tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông đồng thời khẳng định lợi ích chiến lược của Mỹ với tuyến hàng hải huyết mạch này. Mỹ từng điều tàu chiến và oanh tạc cơ áp sát khu vực 12 hải lý xung quanh hải phận và không phận các đảo Trung Quốc bồi lấp phi pháp trên Biển Đông.