Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đô đốc Mỹ: Sắp có thêm nhiều cuộc tuần tra trên Biển Đông

Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ, Đô đốc Harry Harris, nói tự do hàng hải là vấn đề quan trọng cơ bản đối với Mỹ, nên việc tuần tra trên Biển Đông sẽ tiếp tục diễn ra.

Trang web của Viện Hải quân Mỹ dẫn lời ông Harris cho biết, những cuộc tuần tra sắp tới sẽ "phức tạp" hơn so với lần Mỹ triển khai tàu USS Lassen đến gần đảo nhân tạo do Trung Quốc bồi lấp cuối năm 2015.

"Tôi tin rằng hoạt động của tàu Lassen đã thách thức các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc. Các bạn sẽ chứng kiến nhiều hoạt động như vậy trong thời gian tới", đô đốc Mỹ nói tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) ngày 27/1, khi các chuyên gia cho rằng tàu USS Lassen chỉ "đi qua vô hại" khi đến gần đảo nhân tạo.

Đô đốc Harry Harris. Ảnh: US Navy

Trong bài trình bày về tình hình Biển Đông, Đô đốc Harris nhận định những công trình của Trung Quốc đang biến các bãi đá thành đảo nhân tạo "đủ khả năng hỗ trợ cho các lực lượng quân sự quan trọng".

"Tôi đã trình bày rõ ràng quan điểm rằng, những đảo này không thuộc về Trung Quốc, và hành động của họ trong khu vực là sự khiêu khích, khiến căng thẳng gia tăng", ông Harris nói.

Ông nêu rõ, hoạt động xây dựng ở các nước liên quan trong tranh chấp không thể so sánh với quy mô cải tạo lớn của Trung Quốc, như việc Bắc Kinh cải tạo hơn 1.200 hecta trong 18 tháng.

Mùa thu năm 2015, ông Harris đã có cuộc gặp với những quan chức quân sự Trung Quốc. Đô đốc Mỹ cho biết các vị này vẫn giữ quan điểm "khá cứng nhắc" về tuyên bố chủ quyền đối với các đảo và tài nguyên xung quanh.

Ông khẳng định, Washington cho rằng những dự án cải tạo và các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc là hành động "khiêu khích".

Tàu USS Lassen của Mỹ từng tuần tra gần đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng trái phép hồi tháng 10/2015. Ảnh: US Navy

Theo ông Harris, việc Trung Quốc tiếp tục trỗi dậy không phải là chuyện tiêu cực, nhưng điều gây lo ngại là cách mà nước này sử dụng sức mạnh.

Đô đốc Mỹ dẫn ví dụ Trung Quốc đang đóng một tàu tuần tra lớn hơn 25% so với tàu khu trục có tên lửa dẫn đường lớp Arleigh Burke. Bắc Kinh đã thông báo sẽ đưa tàu tuần tra này đến vùng biển Hoa Đông, nơi đang có tranh chấp với nhật Bản.

"Chúng ta có những đồng minh, những người bạn và đối tác mà Trung Quốc không có", ông Harris nói, và nhắc đến các nước như Australia, Singapore, Philippines và Nhật Bản.

Thúc đẩy quan hệ với Ấn Độ cũng là một mục tiêu lớn của Đô đốc Harris. "Tôi lạc quan và phấn khởi về các hợp tác quân sự với Ấn Độ", ông Harris cho biết.

Tháng 10/2015, Hải quân Mỹ đã điều tàu chiến USS Lassen đi vào vùng 12 hải lý quanh một đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây phi pháp trong quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Hai tháng sau, Bộ Quốc phòng Mỹ thông báo máy bay ném bom B-52 của nước này "vô tình" bay trong phạm vi 12 hải lý quanh đảo nhân tạo do Trung Quốc xây dựng. Trong cả hai trường hợp trên, Bắc Kinh đều phản đối gay gắt các hoạt động của Mỹ.

Mỹ - Nhật sẽ bàn về hoạt động của Trung Quốc trên Biển Đông

Bộ trưởng Quốc phòng Nhật sẽ thảo luận với chỉ huy lực lượng Mỹ ở Thái Bình Dương về hoạt động gần đây của Trung Quốc trên Biển Đông, trong chuyến công du Hawaii vào cuối tháng.


Minh Anh

Bạn có thể quan tâm