Yêu cầu trên được đưa ra theo kế hoạch trị giá gần 53 tỷ USD thuộc Đạo luật về Chip và Khoa học (Chips), nhằm mở rộng quy mô sản xuất chip bán dẫn, Guardian đưa tin ngày 7/9.
Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo cho biết: “Chúng tôi cũng sẽ thực hiện các biện pháp bảo vệ để đảm bảo những người nhận được tài trợ từ quỹ Chips không thể xâm phạm đến an ninh quốc gia”.
"Họ không được phép sử dụng số tiền này để đầu tư vào Trung Quốc. Họ không được phát triển các công nghệ tiên tiến hàng đầu ở Trung Quốc. Họ không được gửi công nghệ mới nhất ra nước ngoài", bà nói.
Bà cũng cho biết thêm: “Các quỹ hỗ trợ này nhằm giúp các công ty tối đa hóa quy mô dự án của họ. Chúng tôi sẽ thúc đẩy các công ty phát triển lớn mạnh hơn và táo bạo hơn”.
Bộ trưởng Thương mại nhấn mạnh chính phủ Mỹ sẽ đàm phán với từng dự án một và cho biết các công ty nhận tiền của chính phủ sẽ cần phải “chứng minh cho chúng tôi thấy rằng số tiền là hoàn toàn cần thiết để thực hiện các khoản đầu tư này”.
Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo cho biết kế hoạch này nhằm mục đích "đảm bảo những người nhận được tài trợ từ quỹ Chips không thể xâm phạm đến an ninh quốc gia". Ảnh: Reuters. |
Đạo luật về Chip và Khoa học của Mỹ được quốc hội nước này thông qua trong tháng 8.
Đây là một phần trong phản ứng của Mỹ trong cuộc chạy đua công nghệ với Bắc Kinh, đặc biệt là khi các công ty Mỹ yêu cầu chính phủ hỗ trợ nhiều hơn để giảm sự phụ thuộc vào linh kiện được sản xuất tại các nhà máy Trung Quốc.
Bộ Thương mại Mỹ khẳng định họ hy vọng điều luật sẽ bắt đầu được áp dụng trước tháng 2/2023 với khoản trợ cấp 39 tỷ USD để xây dựng các cơ sở sản xuất mới ở Mỹ.
Kế hoạch cũng sẽ cung cấp khoản tín dụng thuế đầu tư 25% cho các nhà máy sản xuất chip. Các nhà máy này sẽ bắt đầu xây dựng từ năm 2023.
Đạo luật Chips cam kết hỗ trợ tổng cộng 280 tỷ USD cho sản xuất và nghiên cứu công nghệ cao. Đồng thời, đạo luật cũng được thiết kế để tăng khả năng cạnh tranh của Mỹ với Trung Quốc.
Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington trước đây từng phản đối đạo luật. Cơ quan này cho rằng đạo luật làm gợi nhớ đến “tâm lý chiến tranh lạnh”.
Mỹ hiện chỉ sản xuất khoảng 10% nguồn cung chất bán dẫn của thế giới. Hầu hết sản lượng chip được sản xuất tại các nhà máy ở Đài Loan và Hàn Quốc.