Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hôm 27/11 đã có cuộc nói chuyện với Bộ trưởng Hợp tác và Quan hệ Quốc tế Nam Phi Naledi Pandor.
Hai bên thảo luận về hợp tác trong tiêm chủng người dân ở châu Phi để chống dịch Covid-19, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, theo AFP.
“Ngoại trưởng Blinken đặc biệt ca ngợi các nhà khoa học của Nam Phi vì xác định nhanh chóng biến chủng Omicron và chính phủ Nam Phi đã minh bạch trong việc chia sẻ thông tin này, hành động nên là hình mẫu cho thế giới", tuyên bố cho biết.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đánh giá cao việc các nhà khoa học Nam Phi phát hiện nhanh biến chủng mới và chia sẻ thông tin với thế giới. Ảnh: Reuters. |
Trước đó, đầu tiên là dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump và nay là Tổng thống Joe Biden, chính quyền Mỹ đã nhiều lần chỉ trích Trung Quốc về cuộc điều tra nguồn gốc của Covid-19 - được phát hiện đầu tiên vào tháng 12/2019 ở thành phố Vũ Hán và sau đó lây lan ra khắp thế giới. Tới nay, đại dịch đã cướp đi sinh mạng của gần 5,2 triệu người.
Vào tháng 8, cộng đồng tình báo Mỹ đã công bố một báo cáo, trong đó khẳng định rằng họ không thể đạt được kết luận vững chắc về nguồn gốc của virus do Trung Quốc không trợ giúp trong cuộc điều tra của Mỹ.
Trong khi đó, dù Nam Phi được đánh giá cao vì khả năng phát hiện sớm biến chủng mới và công bố với toàn thế giới, các lệnh cấm bay đồng loạt từ nhiều quốc gia nhằm vào nước này đang khiến giới chức trách bất bình.
Bộ Ngoại giao Nam Phi hôm 27/11 bày tỏ bức xúc với lệnh cấm bay của nhiều nước trên thế giới, cho rằng nước này đang bị “trừng phạt” vì phát hiện biến chủng mới được WHO xác định là “đáng lo ngại” và lây truyền mạnh hơn biến chủng Delta.
Việc một số quốc gia trên thế giới quyết định cấm các chuyến bay từ phía nam châu Phi sau khi biến chủng mới được phát hiện "giống như trừng phạt Nam Phi vì công nghệ giải trình tự gene tiến bộ và khả năng phát hiện các biến chủng mới nhanh hơn”, tuyên bố từ Bộ Ngoại giao Nam Phi cho biết.
Bộ này chỉ ra rằng các ca nhiễm biến chủng mới cũng được phát hiện ở các nơi khác trên thế giới.
“Nhiều trường hợp không có liên hệ gần đây với Nam Phi nhưng phản ứng với các nước đó hoàn toàn khác với các trường hợp ở phía nam châu Phi”, tuyên bố nêu rõ.
Trong khi đó, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và đối phó dịch bệnh Nam Phi, ông Tulio de Oliveira khẳng định nước này sẽ chia sẻ các mẫu biến chủng Omicron cho các cơ quan an ninh sinh học chính trên thế giới, như nước này đã làm với biến chủng Beta, nhằm tìm ra giải pháp ứng phó với các biến chủng càng sớm càng tốt.