Trước đó, New Delhi đã cho phép các hãng hàng không Mỹ quyền tự thực hiện toàn bộ dịch vụ mặt đất tại các sân bay Ấn Độ.
Theo Reuters, các dịch vụ mặt đất bao gồm hỗ trợ máy bay chuẩn bị và kết thúc chuyến bay, cụ thể là bán vé, xác nhận đến, phân loại hành lý, tiếp nhiên liệu và làm tan băng đóng trên máy bay.
Đầu tháng 8/2019, Mỹ cấm mọi chuyến bay của Air India tự thực hiện dịch vụ mặt đất tại 5 sân bay (gồm JFK ở New York, Newark ở New Jersey, San Francisco, Washington và Chicago). Air India là hãng hàng không duy nhất của Ấn Độ có đường bay đến Mỹ.
Lệnh cấm là hệ quả từ bất đồng song phương về dịch vụ mặt đất cho máy bay thương mại. Ấn Độ từ năm 2017 đã điều chỉnh quy định và cấm mọi hãng hàng không nước ngoài tự thực hiện dịch vụ mặt đất tại những sân bay có hỗ trợ mục đích quốc phòng. Các hãng cũng không được thực hiện dịch vụ mặt đất bên ngoài khu vực an ninh tại các sân bay khác.
Các hãng hàng không Ấn Độ sẽ được khôi phục quyền sử dụng dịch vụ mặt đất tại sân bay Mỹ. Ảnh: AFP. |
Người phát ngôn Air India tháng 8/2019 xác nhận lệnh cấm của Mỹ thực tế không tác động đến các chuyến bay vì họ đã "thuê ngoài cho dịch vụ mặt đất tại phần lớn sân bay quốc tế", theo The Hindu.
Với thông báo mới, Air India sẽ được khôi phục quyền tự thực hiện dịch vụ mặt đất ở sân bay Mỹ sau khi Bộ Giao thông Mỹ thông qua lệnh cấp phép cuối cùng.
Ấn Độ từ tháng 7 cũng chấp nhận khôi phục chuyến bay của các hãng hàng không Mỹ sau khi vấp phải chỉ trích từ Washington. Trước đó, Ấn Độ cấm mọi chuyến bay thương mại được lên lịch từ Mỹ vì lo ngại lây lan virus corona.
Bộ Giao thông Mỹ hồi tháng 6 cáo buộc Ấn Độ "có những thực hành không công bằng và phân biệt đối xử" đối với các hãng hàng không thương mại phục vụ thị trường Ấn Độ.
Cũng trong tháng 6, chính phủ của Tổng thống Donald Trump đã tuyên bố mong muốn "khôi phục sân chơi bình đẳng cho các hãng hàng không Mỹ" theo Thỏa thuận Vận tải Hàng không Mỹ - Ấn.