Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mỹ biến chiến hạm đổ bộ tấn công thành tàu sân bay mang tiêm kích F-35

Biến những tàu đổ bộ tấn công thành tàu sân bay hạng nhẹ, Mỹ sẽ có nhiều F-35 hơn trên biển, giúp nâng cao sức mạnh chiến đấu trong bối cảnh cạnh tranh quyền lực tăng cao.

Hải quân Mỹ đang thử nghiệm việc chuyển đổi các tàu đổ bộ tấn công thành tàu sân bay hạng nhẹ mang theo các tiêm kích tàng hình F-35B, phiên bản cất, hạ cánh thẳng đứng. Trong đợt triển khai ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương vào tháng 3, tàu đổ bộ tấn công USS Wasp (LHA-1) đã mang theo số lượng tiêm kích F-35B lớn chưa từng thấy.

USS Wasp một tàu đổ bộ tấn công thường chỉ mang theo 6 máy bay cất cánh thẳng đứng F-35B hoặc AV-8B Harrier. Trong chuyến làm nhiệm vụ với số lượng máy bay chiến đấu cất cánh thẳng đứng tăng gấp đôi so với bình thường, Wasp đang giúp chứng minh khái niệm mà thủy quân lục chiến Mỹ đang xây dựng trong nhiều năm, biến tàu đổ bộ thành tàu sân bay hạng nhẹ.

Đó là giải pháp tin cậy khi hải quân đang xem xét cắt giảm số lượng siêu tàu sân bay trong hạm đội. Trong nhiều năm, lực lượng không quân hải quân trên 8 tàu đổ bộ lớp Wasp thường mang theo 10 máy bay cất cánh thẳng đứng MV-22 Osprey, 4 trực thăng tấn công AH-1Z, 4 trực thăng vận tải hạng nhẹ UH-1Y, 5 trực thăng hạng nặng CH-53E và 6 máy bay chiến đấu AV-8B cùng một vài trực thăng MH-60 cho nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn.

Khả năng đã được chứng minh

Trong cuộc xâm lược Iraq năm 2003, mỗi tàu đổ bộ lớp Wasp, phiên bản L đã mang theo tới 20 máy bay chiến đấu cất cánh thẳng đứng AV-8B Harrier để đóng góp cho chiến dịch không kích, còn được gọi là “tàu sân bay Harrier”.

“Đây không phải là tiêu chuẩn cho một tàu đổ bộ. Tài sản hàng không của chúng tôi chỉ ra rằng chúng tôi hoạt động như một tàu sân bay”, Mate Wynn Young, chỉ huy bộ phận hàng không trên tàu đổ bộ tấn công USS Bonhomme Richard nói với một phóng viên hải quân vào năm 2003.

Chien luoc F-35 cua My anh 1
Tàu đổ bộ tấn công USS Wasp đến tập trận ở Philippines với số lượng F-35B nhiều chưa từng có. Ảnh: Hải quân Mỹ.

Khi Thủy quân lục chiến Mỹ bắt đầu thay thế AV-8B bằng tiêm kích tàng hình F-35B, các nhà hoạch định quân sự đã loại bỏ khái niệm “tàu sân bay Harrier” và thay thế bằng “tàu sân bay Lightning”. Một số chuyên gia khác đơn giản chỉ gọi là “tàu sân bay hạng nhẹ”.

Đến năm 2025, thủy quân lục chiến Mỹ sẽ vận hành khoảng 185 chiếc F-35B, đủ để trang bị cho 7 tàu đổ bộ lớp Wasp. Điều này đã được thủy quân lục chiến giải thích trong chiến lược hàng không mới vào năm 2017.

Hải quân Mỹ dự định vận hành ít nhất 10 tàu đổ bộ tấn công, gồm 7 tàu lớp Wasp và 3 tàu lớp America. Mỗi tàu có lượng choán nước khoảng 40.000 tấn, chỉ bằng một nửa so với các siêu hàng không mẫu hạm chạy bằng năng lượng hạt nhân.

Một tàu sân bay Lightning thường mang theo khoảng 16-20 tiêm kích F-35B, so với 40 máy bay chiến đấu tấn công mà siêu tàu sân bay thường mang theo. Chiến hạm Lightning có thể hoạt động liên tục khoảng 40 ngày, trong khi một siêu tàu sân bay có thể hoạt động liên tục tới 160 ngày.

Phân tán sức mạnh

Một tàu đổ bộ tấn công sẽ không bao giờ thay thế cho hàng không mẫu hạm. Nó có thể là sự bổ sung. Tàu sân bay Lightning tận dụng không gian tàu đổ bộ làm căn cứ di động trên biển có thể cung cấp cho hải quân và lực lượng chung khả năng tiếp cận, thu thập và tấn công đáng kể.

Chien luoc F-35 cua My anh 2
Mỹ muốn triển khai nhiều F-35B trên các tàu đổ bộ để tăng cường sức mạnh, phân tán lực lượng để tăng khả năng sống sót. Ảnh: Hải quân Mỹ.

Tàu sân bay hạng nhẹ có thể giúp hải quân phân tán lực lượng để tăng cường khả năng sống sót của hạm đội. Lo lắng về sự nguy hiểm ngày càng tăng của các loại tên lửa chống hạm do Nga và Trung Quốc chế tạo, đầu năm 2019, hải quân đã đề xuất ngừng hoạt động siêu tàu sân bay USS Harry S. Truman vào năm 2020, giảm hạm đội siêu tàu sân bay xuống còn 10 tàu và tiếp tục giảm còn 9 tàu trong tương lai.

Một siêu tàu sân bay lớp Ford trị giá khoảng 13 tỷ USD, trong khi một tàu đổ bộ tấn công lớp America chỉ khoảng 3 tỷ USD. Một tàu sân bay dựa trên tàu đổ bộ có thể là con đường thay thế ít rủi ro cho hải quân để giảm chi phí nếu được mua với số lượng lớn so với kế hoạch đóng tàu hiện tại. Theo một phân tích vào năm 2017 của tập đoàn RAND, 2 tàu sân bay Lightning có thể thay thế cho một siêu tàu sân bay.

Tuy nhiên, siêu tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân cung cấp khả năng hoạt động dài ngày trên biển mà các tàu thông thường không thể làm được. Ngoài ra, siêu tàu sân bay có thể triển khai hoạt động máy bay cánh cố định tải trọng lớn như máy bay cảnh báo sớm, gây nhiễu.

“Một tàu sân bay hạng nhẹ sẽ không phải là lựa chọn khả thi cho lực lượng tàu sân bay, trừ khi các khả năng thay thế được gán lại cho máy bay hoặc nền tảng mới trong lực lượng chung, điều đó sẽ rất tốn kém”, trích báo cáo của tập đoàn RAND.

Thủy quân lục chiến đã lên kế hoạch trang bị cho máy bay MV-22 hệ thống tiếp nhiên liệu trên không để mở rộng phạm vi hoạt động cho F-35. Nhưng không ai đề xuất máy bay cảnh báo sớm hoặc gây nhiễu phù hợp với tàu đổ bộ.

Một sự thỏa hiệp rộng lớn hơn có thể liên quan đến việc hải quân giảm nhẹ số lượng siêu tàu sân bay, trong khi vận hành thường xuyên hơn các tàu đổ bộ tấn công với vai trò như tàu sân bay hạng nhẹ với nhiều F-35 hơn. Đó là những gì đã diễn ra trong đợt triển khai năm 2019 của tàu đổ bộ USS Wasp.

Chiến hạm Mỹ ở Biển Đông mang theo phi đội F-35B lớn chưa từng thấy

Tàu đổ bộ tấn công USS Wasp mang theo ít nhất 10 tiêm kích tàng hình F-35B đến Biển Đông để tập trận với Philippines, một động thái nhằm thể hiện sức mạnh với Trung Quốc.

Mỹ lần đầu đưa F-35B đến Đông Nam Á tập trận

Tiêm kích tàng hình F-35B cùng 3.500 lính Mỹ đến Philippines tham gia cuộc tập trận Balikatan 2019 cùng quân đội nước chủ nhà và đồng minh Australia.

Trung Hiếu

(Theo: National Interest)

Bạn có thể quan tâm