Tàu sân bay USS Ronald Reagan của Mỹ. Ảnh: Reuters> |
Khi Mỹ muốn khẳng định với cả thế giới rằng Washington không công nhận tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh trên Biển Đông, họ điều tàu chiến USS Lassen đến gần các đảo nhân tạo do Trung Quốc bồi đắp. Trong bối cảnh Trung Quốc tăng cường hành động để củng cố tuyên bố chủ quyền, và nước này xác nhận đóng tàu sân bay thứ hai, giới chức Mỹ đang tranh luận về việc liệu nước này có đủ tàu hay không.
Lực lượng hải quân Mỹ nói chung và hạm đội Thái Bình Dương hiện có ít tàu hơn cả giai đoạn thập niên 1990. Số tàu của hạm đội là 182, ít hơn 10 tàu so với cách đây 2 thập niên. Trên toàn thế giới, hải quân Mỹ có 272 tàu dùng trong chiến đấu hoặc hỗ trợ chiến đấu, giảm khoảng 20% so với năm 1998. Mỹ hiện có tổng cộng 10 tàu sân bay.
Trong khi đó, hải quân Trung Quốc có hơn 300 tàu gồm các tàu mặt nước, tàu ngầm, tàu đổ bộ, tàu tuần tra. Cảnh sát biển và các đội tàu chấp pháp trên biển cũng có hơn 200 tàu.
Tuy nhiên, các quan chức hải quân trấn an rằng, những công nghệ hiện đại trang bị trên các tàu đã bù đắp mọi bất lợi về thiếu hụt số lượng.
Đô đốc Scott Swift, tư lệnh lực lượng hạm đội Thái Bình Dương, cho biết ông thường nhận được các thắc mắc về nguồn lực của hạm đội hơn là khả năng thực sự của hải quân. Ngay cả nếu toàn bộ hạm đội tập trung ở Biển Đông, một số nước trong khu vực vẫn thắc mắc, liệu Mỹ có bổ sung thêm lực lượng hay không.
"Đó là cảm giác bất an ở khu vực mà tôi được biết, xuất phát từ những hành động quyết liệt, sự không chắc chắn và các thách thức đang diễn ra ở khu vực. Tuy nhiên, tôi hài lòng với những nguồn lực đang có", đô đốc Swift nói.
Ông Swift đánh giá cao lực lượng hải quân hiện nay, với công nghệ hiện đại, hơn là cách đây 20 năm. Peter Jennings, chuyên gia tại Viện Chính sách Chiến lược Australia, nói vấn đề trong thời bình là liệu Mỹ có đủ các tàu để trấn an đối tác và đồng minh, đồng thời chứng tỏ năng lực khi cần.