Người phát ngôn Lầu Năm Góc cho biết Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đã gặp người đồng cấp Qatar Khalid al-Attiyah hôm 14/6 và thảo luận những bước cuối cùng về việc Qatar mua 36 máy bay F-15 do Mỹ sản xuất.
"Hợp đồng trị giá 12 tỷ USD sẽ trao cho Qatar năng lực ở mức cao nhất, tăng cường hợp tác an ninh và liên kết quân sự giữa Mỹ và Qatar", CNN dẫn lời trung tá Roger Cabiness.
"Hai vị bộ trưởng cũng đã thảo luận về những lợi ích an ninh chung, bao gồm hiện trạng cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) và tầm quan trọng của việc xuống thang căng thẳng để các bên tại Vùng Vịnh có thể tập trung cho những bước tiếp theo tiến tới mục tiêu chung", ông Cabiness cho biết.
Thỏa thuận mua bán máy bay chiến đấu cho thấy một tín hiệu quan trọng của việc Mỹ ủng hộ Qatar khi quốc gia Vùng Vịnh đang đối mặt với tình cảnh bị các nước láng giềng cắt đứt liên lạc giao thông, thương mại.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis (trái) và Bộ trưởng Quốc phòng Qatar Khalid al-Attiyah trong một cuộc gặp. Ảnh: Reuters. |
Thông tin trên xuất hiện một tuần sau khi chính quyền Tổng thống Donald Trump thể hiện quan điểm không nhất quán về cuộc khủng hoảng xảy ra tại Vùng Vịnh. Sau khi 3 nước Saudi Arabia, UAE và Bahrain tuyên bố chấm dứt quan hệ với Qatar, ông Trump nói Qatar phải làm nhiều hơn để chống lại việc tài trợ cho khủng bố.
Tuy nhiên, các quan chức của chính quyền Mỹ, bao gồm Ngoại trưởng Rex Tillerson, đã kêu gọi các bên xuống thang căng thẳng, đồng thời cố gắng giảm thiểu mức độ nghiêm trọng của những ý kiến cho rằng Tổng thống Trump có quan điểm đối lập về vấn đề.
Bộ Quốc phòng Qatar ra thông cáo hôm 14/6 hoan nghênh thỏa thuận mua máy bay F-15. "Thỏa thuận này cho thấy cam kết lâu dài của Qatar trong việc hợp tác với những người bạn và đồng minh ở Mỹ", Bộ trưởng al-Attiyah nói trong thông cáo.
Ông al-Attiyah cũng ca ngợi quan hệ giữa Mỹ và Qatar, nói rằng hai nước đã "củng cố vững chắc hợp tác quân sự bằng việc kề vai sát cánh chiến đấu trong nhiều năm nhằm tiêu diệt chủ nghĩa khủng bố". Ông gọi thỏa thuận trên là "một bước tiến nữa trong việc thúc đẩy quan hệ quốc phòng mang tính chiến lược và hợp tác với Mỹ".
Qatar là nơi Mỹ đặt căn cứ quân sự lớn nhất Trung Đông với số lượng nhân viên lên đến 11.000 người. Trong khi đó, dù là nước có GDP bình quân đầu người cao nhất thế giới, Qatar có quân đội khá nhỏ bé với quy mô chỉ 12.000 binh sĩ.
Ngày 5/6, hàng loạt quốc gia, bao gồm các thành viên Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC) như Saudi Arabia, Bahrain và Các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE) đồng loạt cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar. Hiện số nước cô lập Qatar đã tăng lên 9 nước.