Theo tuyên bố của Bộ Tài chính Mỹ, tập đoàn thương mại Namgang đưa lao động đi nước ngoài để tạo doanh thu cho chính phủ, trong khi Beijing Sukbakso bị cáo buộc điều hành một cơ sở lưu trú tại Trung Quốc để tạo thuận lợi cho việc đưa người đi làm việc.
“Việc đưa lao động Triều Tiên ra nước ngoài đồng nghĩa tạo nguồn thu nhập bất hợp pháp cho chính phủ nước này và vi phạm lệnh cấm của Liên Hợp Quốc”, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cho biết.
Công nhân Triều Tiên làm việc tại nhà máy. Ảnh minh họa: Getty Images |
Năm 2017, Liên Hợp Quốc nhất trí thông qua nghị quyết yêu cầu các quốc gia cho hồi hương lao động Triều Tiên trước ngày 22/12/2019, nhằm tạo áp lực với Pyongyang về các chương trình thử hạt nhân và tên lửa đạn đạo của nước này.
Vụ việc được cho là làm gia tăng căng thẳng giữa hai bên. Mới đây, ông Kim Jong Un cáo buộc chính quyền ông Trump đang cố tình lãng phí thời gian và cho rằng việc kéo dài cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa chỉ gây hại cho Mỹ.
Triều Tiên cũng tuyên bố không còn bị ràng buộc bởi lệnh cấm thử nghiệm tên lửa liên lục địa nếu Washington tiếp tục diễn tập quân sự tại bán đảo Triều Tiên.
Trong khi đó, Mỹ yêu cầu Triều Tiên nghiêm túc tiến hành các bước cần thiết để phi hạt hân hóa nếu không muốn bị cấm vận.
Kể từ năm 2018, Mỹ và Triều Tiên đã nỗ lực tổ chức các cuộc đàm phán song phương nhằm bình thường hóa quan hệ giữa hai nước và tiến hành phi hạt nhân hóa bán đảo, tuy nhiên tới nay việc đàm phán vẫn "dậm chân tại chỗ".