Bà Thái Anh Văn đắc cử nhiệm kỳ thứ 2 hôm 11/1 với thắng lợi áp đảo trước đối thủ, sau chiến dịch tranh cử nhấn mạnh mối đe dọa đang tăng từ Trung Quốc.
Chính quyền Bắc Kinh từ lâu đã tuyên bố chủ quyền đối với Đài Loan và nói sẽ thu hồi hòn đảo bằng mọi giá, kể cả sử dụng vũ lực nếu cần thiết.
Trong cuộc phỏng vấn độc quyền với BBC sau bầu cử, bà Thái khẳng định rằng chủ quyền của hòn đảo tự trị không bị nghi ngờ hay phải đàm phán.
"Chúng tôi không có nhu cầu tuyên bố mình là một quốc gia độc lập", nhà lãnh đạo 63 tuổi nói. "Chúng tôi không có nhu cầu tuyên bố mình là một quốc gia độc lập. Chúng tôi đã là một quốc gia độc lập và chúng tôi tự gọi mình là Trung Hoa dân quốc, Đài Loan".
Nhà lãnh đạo Thái Anh Văn trong cuộc phỏng vấn với BBC. Ảnh: BBC. |
Những tuyên bố như vậy khiến Bắc Kinh tức giận. Bắc Kinh vốn luôn khẳng định nguyên tắc "Một Trung Quốc" - tức Đài Loan là một phần của nước này, chủ trương được đối thủ của bà Thái trong cuộc bầu cử ủng hộ.
Trung Quốc một mực yêu cầu việc chấp nhận nguyên tắc "Một Trung Quốc" là điều kiện tiên quyết để xây dựng quan hệ kinh tế với Đài Loan. Song bà Thái tin rằng chiến thắng của bà là bằng chứng cho thấy người dân Đài Loan không ủng hộ khái niệm "Một Trung Quốc" và sự nhập nhằng đối với địa vị của Đài Loan.
"Tình hình đã thay đổi," bà nói. "Sự mơ hồ không còn có thể phục vụ các mục đích mà nó dự tính phục vụ nữa".
"Bởi vì trong hơn ba năm qua, chúng tôi thấy Trung Quốc đang tăng cường mối đe dọa... Họ cho tàu và máy bay quân sự lởn vởn quanh hòn đảo", bà nói.
"Và ngoài ra, với những gì xảy ra ở Hong Kong, mọi người thực sự có cảm giác rằng mối đe dọa này là có thật và ngày càng nghiêm trọng hơn".
Bà Thái Anh Văn trong chiến dịch tái tranh cử. Ảnh: Reuters. |
Bà tin rằng đối diện với thực tế là cách tốt nhất để đảm bảo các lợi ích của Đài Loan. "Chúng tôi có bản sắc riêng và tự chúng tôi là một quốc gia. Vì vậy, nếu có bất cứ điều gì đi ngược lại quan điểm này, họ sẽ đứng lên và nói rằng điều đó là không thể chấp nhận đối với chúng tôi", bà nói.
Đối với những người chỉ trích bà Thái, lập trường của nhà lãnh đạo mang tính khiêu khích không cần thiết, và việc này chỉ góp phần làm gia tăng thêm sự thù địch.
"Có rất nhiều áp lực", bà nói. "Nhưng trong hơn ba năm qua, chúng tôi đã luôn nói với Trung Quốc rằng duy trì nguyên trạng vẫn là chính sách của chúng tôi... Tôi nghĩ đó là một cử chỉ rất thiện chí với Trung Quốc".
Trong khi bà Thái nói bà sẵn sàng đối thoại, bà cũng nhận thức rõ rằng với chiến thắng của mình, Bắc Kinh có thể sẽ gia tăng áp lực lên Đài Loan.
Trước viễn cảnh này, bà đang cố gắng đa dạng hóa các mối quan hệ thương mại của Đài Loan và thúc đẩy nền kinh tế nội địa, đặc biệt là khuyến khích các nhà đầu tư Đài Loan đã xây dựng nhà máy ở Trung Quốc xem xét chuyển về hòn đảo.
Bà cũng đang lên kế hoạch cho mọi tình huống. "Bạn không thể loại trừ nguy cơ chiến tranh bất cứ lúc nào", bà nói. "Song điều quan trọng là bạn phải chuẩn bị sẵn sàng và phát triển khả năng tự vệ".
"Chúng tôi đã và đang rất cố gắng và nỗ lực rất nhiều để tăng cường khả năng của mình", bà nói thêm. "Xâm chiếm Đài Loan là sẽ khiến Trung Quốc phải trả giá đắt".