Khung cảnh hoành tráng trong lễ bế mạc Olympic London 2012. Ảnh: Getty |
Olympic, World Cup hay Euro không chỉ là cơ hội quảng bá hình ảnh đất nước, con người và văn hóa quốc gia đăng cai, các giải đấu tầm cỡ thế giới còn được kỳ vọng là cú hích lớn cho nền kinh tế nước chủ nhà.
Tuy nhiên, thực tế lại không phải vậy. Sau những bữa tiệc thể thao đầy phần khích, Olympic, World Cup hay Euro qua đi như một cơn bão ở những đất nước như Hy Lạp hay Brazil. Điều đọng lại sau bão là gánh nặng quốc gia với những khoản nợ khổng lồ.
Chi phí khủng
Năm 2004, Hy Lạp tổ chức Thế vận hội Mùa hè còn Bồ Đào Nha là nơi diễn ra giải vô địch bóng đá châu Âu Euro, cả hai sự kiện đều cần tới số tiền rất lớn. Bồ Đào Nha dành khoảng 4 tỷ euro (4,8 tỷ USD) cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng và sửa chữa 10 sân vận động. Trong khi với với Olympic Athens 2004, Hy Lạp đầu tư 9 tỷ euro (tương đương 11 tỷ USD), gần gấp đôi chi phí dự kiến ban đầu.
Còn Nam Phi, theo số liệu từ báo cáo chính thức của chính phủ nước này công bố gần hai năm sau khi tổ chức thành công World Cup 2010, họ đã chi hơn 3 tỷ USD cho giải bóng đá lớn nhất hành tinh. Nam Phi dành 1,1 tỷ USD cho việc xây dựng và nâng cấp các sân vận động, 1,3 tỷ USD dành để đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông.
4 năm sau đó, Brazil đăng cai World Cup với khoản tiền 3,6 tỷ USD để xây dựng các sân vận động đúng chuẩn và 3 tỷ USD cho cơ sở hạ tầng phục vụ giải đấu. Tổng chi phí cho toàn bộ sự kiện là 11 tỷ USD khiến giải đấu tại Brazil trở nên đắt đỏ nhất trong lịch sử World Cup.
Màn pháo hoa hoành tráng tại sân vận động Tổ chim ở Bắc Kinh trong đêm khai mạc Olympic 2008 ngày 8/8. Ảnh: Getty
|
Với Thế vận hội Mùa hè Bắc Kinh 2008, nước chủ nhà Trung Quốc khiến hàng tỷ người trên thế giới choáng ngợp trước hệ thống cơ sở hạ tầng và màn khai mạc ấn tượng. Tổng chi phí cho toàn bộ sự kiện đặc biệt này là khoảng 295 tỷ nhân dân tệ (tương đương hơn 44 tỷ USD). Chỉ riêng số tiền xây dựng sân vận động Tổ chim tại Bắc Kinh đã lên tới 3,5 tỷ nhân dân tệ (tương đương 423 triệu USD).
Thế nhưng, những con số trên còn thua xa chi phí 50 tỷ USD mà Nga đầu tư cho Thế vận hội Mùa đông Sochi 2014. Con số này bằng tổng phí của tất cả các kỳ Olympic mùa đông trước đó cộng lại, vượt qua mức 44 tỷ USD mà Trung Quốc chi cho Thế vận hội mùa hè Bắc Kinh 2008 và gấp 3 lần Olympic London 2012 (10,4 tỷ USD).
Rệu rã sau cuộc vui
Không thể phủ nhận những hiệu ứng về mặt hình ảnh mà các sự kiện thể thao thế giới đem lại cho quốc gia đăng cai, nhưng khi những bữa tiệc thể thao kết thúc, đó cũng là lúc chủ nhà các kỳ Olympic, World Cup hay Euro đau đầu vì tiền.
Chuyện nước chủ nhà của một kỳ đại hội thể thao lớn phải gánh chịu hậu quả nặng nề về kinh tế, an sinh xã hội sau khi giải đấu kết thúc xưa nay không hề hiếm. Trong 20 năm qua, chỉ duy nhất người Mỹ thắng lợi sau khi tổ chức thành công Thế vận hội Atlanta 1996.
Hy Lạp là quốc gia hứng chịu hậu quả nặng nề nhất khi Olympic Athens 2004 khiến đất nước này ngập trong nợ nần. Theo Bloomberg, trong những ngày cuối của lễ bế mạc, Hy Lạp cảnh báo Khu vực đồng euro (Eurozone) rằng nợ công và thâm hụt ngân sách của nước này sẽ tệ hơn dự kiến. Thâm hụt năm 2004 của quốc gia châu Âu lên đến 6,1% GDP, gấp đôi giới hạn của Eurozone trong khi nợ công là 110,6% GDP, mức cao nhất ở EU. Hy Lạp trở thành nước EU đầu tiên bị Ủy ban châu Âu (EC) giám sát tài chính vào năm 2005, vài tháng sau khi Thế vận hội kết thúc.
Đức là chủ nợ lớn nhất của Hy Lạp. Ảnh : Blogspot |
Tổ chức Thế vận hội 2004 chỉ là một trong nhiều hoạt động cho thấy Hy Lạp không kiểm soát tốt nguồn chi tiêu công và số tiền đầu tư xuất phát từ nguồn vay không bền vững.
"Nạn nhân" lớn thứ hai sau các kỳ thể thao với chi tiêu khủng phải kể đến Bồ Đào Nha. Một khảo sát sử dụng số liệu từ các sân vận động mới phục vụ Euro 2004 như ở thành phố Guimarães, Braga, Leiria, Coimbra, Aveiro hay Loulé-Faro, chi phí xây đều ở mức cao hơn so với ước tính ban đầu. 7 hội đồng thành phố có các sân vận động này đã vay ngân hàng số tiền 290 triệu euro (khoảng 345,6 triệu USD). Do đó, chính quyền các thành phố phải cần tới 20 năm để trả hết số nợ.
Chính phủ Nam Phi từng mơ nước này sẽ thu về 6 tỷ USD từ World Cup 2010, nhưng 2 năm sau đó, họ thừa nhận không thể nêu ra một số tác động kinh tế sau giải đấu. Brazil cũng rơi vào bẫy tương tự khi đánh giá quá cao hiệu quả kinh tế từ World Cup. Theo một báo cáo của chính phủ Brazil, lượng tiền thu về thông qua các dịch vụ chưa thể bù lại khoản chi để phục vụ cho tháng lễ hội diễn ra. Mặc dù từ trước và trong suốt hơn một tháng đó, giá cả sinh hoạt ở Brazil đã tăng lên chóng mặt.
Áo, Thụy Sĩ (Euro 2008); Ukraina, Ba Lan (Euro 2012), Pháp (Euro 2016) đều chẳng thu về chút lời lãi nào như dự tính. Kinh tế của những nước chủ nhà các vòng chung kết Euro gần đây đều suy sụp thấy rõ. Ngay đến một siêu cường kinh tế như Đức cũng lỗ, dù không nhiều, sau World Cup 2006.
Công trình trăm triệu USD rồi cũng bỏ hoang
Sau World Cup 2014, người ta nhận thấy rõ sự lãng phí tiền bạc khi các sân vận động trống trơn, phủ bụi. Đặc biệt nhất phải kể đến sân vận động quốc gia Mane Garrincha ở thủ đô Brasilia của Brazil với 72.000 chỗ ngồi và ngốn tới 900 triệu USD cho việc xây mới.
Sau khi phục vụ giải bóng đá Cúp Liên đoàn các châu lục năm 2013 và World Cup, hiện giờ sân Mane Garrincha cần khoảng 2 triệu USD để duy trì hoạt động. Thế nhưng chính phủ và thành phố không biết lấy đâu ra số tiền này, còn các câu lạc bộ địa phương cũng không thể có đủ tiền để thuê sân. Hiện tại, sân vận động này được dùng như một bến xe buýt. Hơn 400 phương tiện đỗ tại đây mỗi ngày.
"Chúng tôi biết điều này sẽ xảy ra", Breitbart.com dẫn lời nhà báo Juca Kfouri thừa nhận thực trạng về các sân vận động ở Brazil sau mùa World Cup.
"Tôi nghĩ đó là lỗi của chính quyền Brazil, không phải do FIFA. Brazil đã chấp nhận các điều kiện của giải đấu, nhưng không có kế hoạch hậu World Cup. Tôi nghĩ tình hình hiện nay có thể tránh được nếu chúng tôi tổ chức một kỳ World Cup theo phong cách của Brazil, chứ không như Đức hay Nhật Bản”.
Một SVĐ phục vụ thế vận hội 2004 của Hy Lạp tan hoang sau giải đấu. Ảnh: Getty
|
Tình trạng tương tự cũng xảy ra ở Hy Lạp hay Nam Phi khi các công trình từng phục vụ Thế vận hội mùa hè 2004 hay World Cup 2010 giờ chỉ còn là đống đổ nát, hoang tàn, không bóng người qua lại.
Ngoài vấn đề kinh tế, các nước như Brazil hay Nam Phi chịu tác động tiêu cực xã hội phía sau sự hào nhoáng của World Cup. Người dân lo sợ, sau mỗi mùa World Cup sự phân biệt giàu nghèo lại càng rõ rệt khi cuộc sống của họ chẳng được cải thiện như cách chính phủ tung hô về lợi ích kinh tế từ giải đấu.
Bất chấp khó khăn khăn trong việc biến sự kiện thể thao lớn thành cơ hội phát triển kinh tế bền vững, các nước vẫn thi nhau giành quyền đăng cai World Cup, Olympic hay Euro. Nguyên nhân hợp lý nhất để lý giải điều này là niểm tự hào dân tộc và cơ hội nâng vị thế quốc gia trên trường quốc tế.