Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Muốn tìm dấu hiệu về khả năng dập tắt Omicron, hãy nhìn vào Đan Mạch

Những dữ liệu ban đầu từ Đan Mạch về số ca nhiễm và nhập viện đang đặt nền móng cho sự lạc quan rằng các nước có tỷ lệ tiêm vaccine cao có thể vượt qua làn sóng Omicron.

Diễn biến đợt dịch tại Đan Mạch, cùng với việc triển khai nhanh chóng các mũi tiêm tăng cường, đang làm dấy lên hy vọng rằng quốc gia này có thể tránh được sự tăng vọt ca nhiễm nghiêm trọng, theo Washington Post.

“Còn quá sớm để thả lỏng, nhưng thật đáng khích lệ là chúng tôi không rơi vào trường hợp xấu nhất”, Tyra Grove Krause, trưởng nhóm chuyên gia dịch tễ tại Viện Huyết thanh Statens của Đan Mạch, cho biết.

Đáng theo dõi

Chương trình xét nghiệm và phân tích virus corona trên toàn quốc của Đan Mạch cung cấp cho các nhà khoa học kho dữ liệu thực tế về đại dịch. Do đó - cùng với việc Đan Mạch là một trong những quốc gia đầu tiên bên ngoài châu Phi chứng kiến ​​nguy cơ bùng nổ tiềm tàng của biến chủng Omicron - nước này đã trở thành quốc gia châu Âu được theo dõi để tìm ra những câu trả lời liên quan tới biến chủng mới.

Trong tuần qua, Đan Mạch ghi nhận những kết quả tốt hơn mong đợi. Sau khi tăng lên mức kỷ lục, số ca nhiễm hàng ngày đã ổn định trở lại. Giới chức trách công bố 12.500 ca nhiễm hôm 23/5, so với 11.000 trường hợp vào cuối tuần trước.

Quan trọng hơn, các ca nhập viện - cho đến nay - ở mức thấp hơn nhiều so với dự đoán. Một tuần trước, viện khoa học của chính phủ Đan Mạch cho rằng số ca nhập viện do virus corona mới hàng ngày có thể dao động từ 120 đến 250 bệnh nhân vào đêm Giáng sinh. Trong những ngày gần đây, con số này đang ở mức 125.

“Kết quả này khá hứa hẹn”, bà Grove Krause nói.

bien chung Omicron anh 1

Tyra Grove Krause, trưởng nhóm chuyên gia dịch tễ tại Viện Huyết thanh Statens của Đan Mạch. Ảnh: Washington Post.

Những tín hiệu ban đầu từ Đan Mạch không cung cấp bất kỳ thước đo trực tiếp nào về mức độ nghiêm trọng của biến chủng, một trong những câu hỏi quan trọng trong giai đoạn này của đại dịch.

Tuy nhiên, chúng đang đồng nhất với các dữ liệu mới nổi khác và những nghiên cứu từ Anh, Nam Phi cho thấy Omicron ít có khả năng dẫn đến tỷ lệ nhập viện cao hơn so với biến chủng Delta.

Các nhà khoa học thận trọng rằng vẫn còn nhiều điều chưa chắc chắn và ngay cả khi Omicron ít gây nhập viện hơn, khả năng lây truyền tăng lên của biến chủng này đồng nghĩa với số bệnh nhân gia tăng và những hệ lụy khác. Biến chủng này cũng có thể lây lan rộng rãi đến mức dẫn đến một làn sóng tràn vào các bệnh viện.

Bà Grove Krause cho biết vẫn còn nhiều lo ngại về hệ thống y tế ở Đan Mạch, vì ca nhiễm Omicron có tỷ lệ không nhỏ ở những người trẻ tuổi.

Vị chuyên gia nhận định hiện tại, việc đóng cửa trường học tạm thời và các biện pháp phòng ngừa xã hội giúp làm chậm sự lây lan, số ca nhiễm có thể gia tăng đột biến sau các cuộc tụ họp gia đình, thường tập trung cả người già và trẻ nhỏ.

Ngay cả khi sự lây nhiễm đã chậm lại, có những dấu hiệu khác về khả năng gây ra hỗn loạn của Omicron. Trong hai tuần qua, số ca nhiễm ở các nhân viên y tế đã tăng hơn gấp đôi. Một báo cáo giám sát hàng tuần của chính phủ cho thấy đã có hai đợt bùng phát Omicron trong các viện dưỡng lão.

Nhiều tín hiệu tích cực

Kể từ khi Omicron xuất hiện vào tháng 11, các nhà khoa học chạy đua để tìm hiểu về biến chủng đang lây lan nhanh hơn nhiều so với các phiên bản trước đó.

Một số dữ liệu đã được công bố trong tuần này, với nghiên cứu ở Scotland cho thấy nguy cơ nhập viện do Omicron thấp hơn gần 60% so với Delta.

Một phân tích khác, do các chuyên gia Đại học Imperial London, cho thấy khả năng phải tới bệnh viện của những người nhiễm Omicron thấp hơn 20% và nguy cơ phải nhập viện qua đêm thấp hơn 40%.

Và Nam Phi, tâm chấn của đợt bùng phát biến chủng Omicron đầu tiên, đã chứng kiến ​​tỷ lệ nhập viện thấp hơn nhiều so với các làn sóng khác.

Hiện chưa rõ liệu những gì xảy ra ở Nam Phi - nơi nhân khẩu học có xu hướng trẻ hơn - có lặp lại ở các khu vực khác trên thế giới hay không. Cũng chưa rõ mức độ suy giảm của Omicron có phải là một đặc điểm của virus hay chỉ là một dấu hiệu của cấp độ miễn dịch bắt nguồn từ việc tiêm phòng và nhiễm bệnh trong quá khứ.

So với Delta, Omicron có khả năng né tránh sự miễn dịch ở người tiêm vaccine và từng nhiễm bệnh cao hơn. Nhưng những gì đang xảy ra ở Đan Mạch cho thấy việc triển khai mũi tiêm tăng cường nhanh chóng có thể giúp cắt giảm đà tăng của số ca nhiễm.

bien chung Omicron anh 2

Điểm tiêm vaccine ngừa Covid-19 ở Faelledparken, Copenhagen. Ảnh: Reuters.

Nhóm các nhà khoa học tại Viện Huyết thanh Statens cho biết trong một báo cáo nghiên cứu tuần qua rằng các mũi tiêm tăng cường Pfizer-BioNTech có thể cung cấp khả năng bảo vệ 55% trước nguy cơ nhiễm bệnh, so với việc chỉ tiêm 2 mũi.

Ngay cả khi mức độ bảo vệ đó giảm dần theo thời gian, mũi tiêm tăng cường “có thể giúp chúng ta vượt qua những tháng tiếp theo”, bà Grove Krause nói.

Theo Our World in Data, Đan Mạch là nước có tỷ lệ tiêm mũi tăng cường trên đầu người cao hơn so với kỳ quốc gia nào thuộc Liên minh châu Âu (EU).

bien chung Omicron anh 3

Viện Huyết tương Statens ở Copenhagen. Ảnh: AFP.

Hiện 36,8% dân số quốc gia Bắc Âu này được tiêm mũi tăng cường, tăng gấp đôi so với mức hai tuần trước đó. Tổng cộng 77,2% dân số Đan Mạch đã được tiêm 2 mũi.

Đan Mạch theo dõi cẩn thận tỷ lệ nhập viện, so sánh kỹ lưỡng các ca nhiễm Delta và Omicron. Từ ngày 22/11 đến 17/12, tỷ lệ nhập viện đối với các ca nhiễm Delta cao hơn so với Omicron (1% so với 0,6%).

Số ca nhập viện bao gồm những người có kết quả xét nghiệm dương tính trước khi đến bệnh viện và những người có kết quả dương tính trong vòng 48 giờ sau khi nhập viện.

Tuy nhiên, hiện tại, vì các ca nhiễm Omicron đang có sự thay đổi ở người trẻ tuổi, các nhà khoa học cho rằng một sự so sánh toàn diện là quá sớm.

Muốn biết cách Omicron hoành hành? Hãy nhìn New York

Diễn biến dịch bệnh và những gì đang xảy ra ở thành phố New York của Mỹ chính là cảnh tượng trong tương lai mà nhiều nơi khác sẽ chứng kiến trước làn sóng biến chủng Omicron.

Vì sao Singapore vẫn tự tin mở cửa?

Nhờ kiên nhẫn trong tiến trình thoát khỏi đại dịch, Singapore vẫn tự tin tiếp tục kế hoạch sống chung, cùng lúc chuẩn bị ứng phó với kịch bản làn sóng lây nhiễm biến chủng Omicron.

Thủy Tiên

Bạn có thể quan tâm