Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Muốn tìm câu trả lời về nỗ lực đánh bại Omicron, hãy nhìn vào Nam Phi

Khi biến chủng Omicron xuất hiện, Nam Phi trở thành tâm điểm của truyền thông quốc tế. Giờ đây, thế giới lại nhìn về Nam Phi để khám phá khả năng kết thúc đại dịch Covid-19.

Hôm 28/12/2021, Tổng thống Mỹ Joe Biden thông báo nước Mỹ sẽ dỡ bỏ hạn chế di chuyển đối với Nam Phi và 7 quốc gia láng giềng: Botswana, Eswatini, Lesotho, Malawi, Mozambique, Namibia và Zimbabwe. Quyết định này có hiệu lực từ ngày cuối cùng của năm 2021.

Trước đó, ngay sau khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đặt tên và đưa chủng Omicron vào danh sách biến chủng “đáng quan ngại”, Nhà Trắng áp đặt lệnh hạn chế di chuyển lên 8 nước châu Phi kể trên để phòng dịch. Ở thời điểm đó, chủng Omicron đã vượt ra ngoài châu Phi và vươn tới các châu lục khác.

Một số chuyên gia nhận định biện pháp hạn chế này - cũng như động thái tương tự của Liên minh châu Âu (EU) - thiếu cơ sở khoa học. Ngoài ra, sự minh bạch của Nam Phi cũng đáng được ghi nhận.

“Nam Phi không may mắn khi bị Mỹ và EU ‘đối xử đặc biệt’ giữa mùa du lịch hè. Thông điệp được đưa ra là: Sự sẵn sàng vì khoa học dẫn đến sự trừng phạt, thay vì được khen thưởng”, giáo sư Marc Siegel tại trung tâm y học NYU Langone, Mỹ, nhận định.

Chuyến biến bất ngờ

Nam Phi là một trong những quốc gia đi đầu trong giải trình tự gene và phân tích cấu trúc virus. Quốc gia này cũng có cộng đồng nghiên cứu y khoa xuất sắc, là những người đầu tiên thực hiện thành công cấy ghép tim năm 1967. Đây cũng là một nhân tố giúp nước này nhanh chóng phát hiện chủng Omicron và báo cáo lên WHO.

Tiến sĩ Waasila Jassat, chuyên gia về y tế công cộng tại Viện Bệnh truyền nhiễm Quốc gia Johannesburg, Nam Phi, cho biết bà và các đồng nghiệp vẫn sẽ làm như trong quá khứ, nếu cơ cơ hội quyết định lại. Cách ứng xử với chủng virus mới của Nam Phi cho thấy nước này sẵn sàng đặt khoa học lên trên chính trị.

omicron tai nam phi anh 1

Các nhà khoa học Nam Phi giúp thế giới nhận được cảnh báo sớm về biến chủng Omicron. Ảnh: New York Times.

Từ khi đại dịch mới bùng phát, cộng đồng khoa học Nam Phi cảnh báo đây sẽ là quả “bom hẹn giờ” với châu Phi, nơi có hệ thống y tế tương đối yếu kém. Khi biến chủng Omicron xuất hiện, châu lục này trở thành tâm điểm của thế giới.

Một tháng sau, các quốc gia khác lại hướng đến châu Phi, nhưng với con mắt tích cực hơn. Hôm 30/12/2021, chính phủ Nam Phi tuyên bố quốc gia này đã vượt qua đỉnh dịch Covid-19 trong làn sóng thứ tư gây ra bởi chủng Omicron.

“Mọi chỉ số đều chỉ ra đất nước có thể đã vượt qua đỉnh dịch của làn sóng thứ tư”, một thông báo của chính phủ Nam Phi nhận định.

Số ca mắc mới Covid-19 tại Nam Phi đã giảm liền trong hai tuần xuống mức dưới 11.500 ca mỗi ngày. Hiện tượng này được ghi nhận ở tất cả tỉnh thành của Nam Phi, ngoại trừ Western Cape và Eastern Cape. Ngoài Western Cape, số ca bệnh phải nhập viện cũng giảm ở mọi tỉnh.

“Tốc độ đạt đỉnh địch và suy giảm của làn sóng dịch thứ 4 gây ra bởi chủng Omicron thật đáng kinh ngạc”, tiến sĩ Fareed Abdullah, thành viên Hội đồng Nghiên cứu Y khoa Nam Phi, nhận xét. “Nó đạt đỉnh trong 4 tuần và giảm mạnh trong 2 tuần”.

Giới chức y tế Nam Phi cho biết sự gia tăng về số ca tử vong là khá nhỏ, thậm chí là “không đáng kể” vào tuần trước.

Bài học rút ra

Tình hình dịch bệnh cải thiện giúp người dân Nam Phi có thể đón năm mới một cách “dễ thở” hơn. Chính phủ Nam Phi quyết định dỡ bỏ lệnh giới nghiêm từ nửa đêm đến 4h, theo tuyên bố được đưa ra ngày 30/12/2021. Các cửa hàng bán đồ uống có cồn cũng được mở cửa sau 23h, trong khi các sự kiện có thể đón đến 2.000 người tham gia.

Theo tiến sĩ Waasila Jassat, sự kết hợp của tỷ lệ tiêm vaccine cao và khả năng miễn dịch đến từ những người mới mắc bệnh giúp tình hình dịch bệnh tại Nam Phi cải thiện nhanh chóng.

omicron tai nam phi anh 2

Việc tiêm vaccine góp phần giúp Nam Phi sớm vượt qua đỉnh dịch. Ảnh: Reuters.

Các nhà khoa học châu Phi là những người đầu tiên nhận ra khả năng lây lan mạnh mẽ của biến chủng mới. Họ cũng nhận ra chủng virus này có thể gây bệnh “nhẹ hơn” biến chủng Delta.

Nghiên cứu mới được công bố của một nhóm nhà khoa học tại Viện Nghiên cứu Y tế châu Phi, Nam Phi cho thấy việc mắc biến chủng Omicron giúp tăng cường hệ miễn dịch trước chủng Delta, qua đó có thể giúp kết thúc đại dịch.

Giáo sư Marc Siegel nhận định điều tương tự có thể xảy ra ở Mỹ, đặc biệt trong bối cảnh nhiều ca bệnh nhẹ - hoặc không có triệu chứng - không được thông báo đến giới chức y tế.

“Chủng Omicron có khả năng lây lan cao, nhưng dường như gây bệnh nhẹ hơn hầu hết biến chủng trước đây, cũng như gây ít nguy cơ nhập viện hơn. Điều này có nghĩa chủng Omicron có thể giúp kết thúc đại dịch”, ông Siegel nhận định.

Theo ông, nước Mỹ có thể học tập sự bình tĩnh và dũng cảm của Nam Phi khi đương đầu với biến chủng mới. “Nam Phi nên được ca ngợi thay vì trừng phạt”, ông nói.

Nam Phi tuyên bố vượt qua đỉnh dịch của biến chủng Omicron

Chính phủ Nam Phi hôm 30/12 dẫn dữ liệu từ cơ quan y tế cho thấy nước này đã vượt qua đỉnh dịch Covid-19 trong làn sóng thứ 4 do biến chủng Omicron gây ra.

Đỉnh dịch ở Nam Phi làm dấy lên hy vọng về biến chủng Omicron

Số ca nhiễm biến chủng Omicron ở Nam Phi dường như đang suy giảm nhanh chóng như cách nó tăng lên, khiến giới khoa học kỳ vọng điều này cũng có thể xảy đến với các quốc gia khác.

Việt Hà

Theo Wall Street Journal.

Bạn có thể quan tâm