Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Muôn kiểu làm dâu đau đớn trong các tiểu thuyết nổi tiếng Trung Quốc

Bắt kịp với nhịp sống đương đại, các tác giả Trung Quốc đã đưa những vấn đề trong mối quan hệ giữa mẹ chồng - nàng dâu vào trang sách để từ đó rút ra những bài học xương máu.

Tiểu thuyết mạng Trung Quốc đang bùng nổ với nhiều tác phẩm gây tiếng vang về đề tài gia đình. Trong đó, có tác phẩm đã được chuyển thể thành phim như Sống chung với mẹ chồng đã được Đài truyền hình Việt Nam mua kịch bản và dàn dựng lại.

Dưới đây là 4 tác phẩm về đề tài mẹ chồng - nàng dâu đã để lại nhiều ấn tượng của Trung Quốc.

Mẹ chồng ăn thịt cả nhà nàng dâu (Kỷ Đạt)

"Hôn nhân chính là lần đầu thai thứ 2 của người phụ nữ. Làm thế nào để trải qua được tháng ngày ngột ngạt đến nghẹt thở. Đâu là con đường dẫn đến hạnh phúc…?"

Đó chính là trăn trở của nhân vật nữ chính Thúy Thúy trong Mẹ chồng ăn thịt cả nhà nàng dâu của nhà văn Kỷ Đạt. Thúy Thúy - nàng dâu trẻ hiền lành ngoan ngoãn, gặp phải bà mẹ chồng tai quái, độc đoán và tham lam vô độ. Cô chưa kịp hưởng niềm hạnh phúc của cuộc sống mới, đã phải bước vào những chuỗi ngày u ám chốn địa ngục trần gian.

Sau khi hứng chịu những trận đòn liên tiếp của mẹ chồng, cô đã gần như phát điên và thực sự bị điên khi mẹ đẻ cô đột tử vì uất nghẹn trước những lời chửi rủa lăng mạ tàn độc của mẹ chồng cô.

Song chung voi me chong anh 1
Mẹ chồng ăn thịt cả nhà nàng dâu là một tác phẩm táo bạo từ tên sách đến nội dung truyện.

Tác phẩm lột tả rất nhiều tính cách điển hình của người Trung Quốc. Ngoài việc họ giỏi làm ăn, buôn bán, tính toán sâu xa; họ còn bị chi phối nặng nề của tư tưởng Nho giáo.

Đó là việc mẹ của Thúy Thúy bị chết do không chịu nổi những lời chửi rủa độc địa của mẹ Đại Lâm. Chửi rủa một cách thâm thúy và tác động lên đối thủ bằng tất cả sức mạnh ác hiểm của ngôn từ vốn là một đặc tính của người Trung Quốc.

Dẫu là bạo liệt, nhưng thông qua nhân vật Thúy Thúy, cuốn sách cũng khẳng định khát vọng tình yêu trong sáng, mãnh liệt ở con người không thể nào mất đi.

Những ngày sống chung với mẹ chồng (Giả Hiểu)

Bộ tiểu thuyết nổi bật của Trung Quốc này đã được Việt Nam chuyển thể thành phim truyền hình đình đám năm 2017 mang tên Sống chung với mẹ chồng.

Trong tác phẩm gốc, nhân vật chính là Diệp Hy Lôi, cô con dâu 8X, xinh đẹp, thông minh nhưng cũng lười biếng và ham hư vinh, trong mắt mẹ chồng, cô vẫn chưa thể hoàn thành vai trò của một người con dâu.

Đối đầu với Diệp Hy Lôi là Phương Xảo Trân, mẹ chồng thuộc thế hệ 5X, hiền lành, chăm chỉ, là mẹ chồng nhưng vẫn chưa biết cách phải cư xử với con dâu như thế nào. Bà mang nặng tư tưởng và thành kiến với cuộc hôn nhân của con trai mình.

Nam chính Hứa Bân là cậu con trai 8X, đứng giữa người vợ mình yêu thương và người mẹ mà mình luôn quan tâm, giữa tình yêu và tình thân, cuối cùng anh đã đánh mất đi tình yêu của mình, chính tay hủy hoại tình yêu.

Song chung voi me chong anh 2
Sống chung với mẹ chồng có nội dung gần gũi, chân thực đến mức được dựng thành phim.

Một độc giả đánh giá: "Truyện khá lôi cuốn, tình tiết kịch tính kiểu drama cho nên tuyệt nhiên hoàn toàn không đại diện cho mẫu số chung mẹ chồng ở ngoài. Gom nhặt tất cả tình tiết kinh khủng nhất của các bà mẹ chồng kinh khủng nhất thế gian, nêm nếm hư cấu đắp bồi thêm nữa mới ra được bà mẹ chồng đỉnh cao như này. Chưa kể đến bối cảnh gốc của câu truyện là một thành phố tỉnh lẻ của Trung Quốc nữa".

Tác phẩm được giới thiệu dành cho "những bà mẹ chồng tương lai nên đọc để sống cởi mở hơn, những cô dâu mới về nhà chồng đọc để có thêm lời cảnh tỉnh, người đàn ông bị kẹt giữa mẹ chồng và nàng dâu đọc để biết rằng trong hôn nhân, tình yêu xếp phía sau, trí tuệ mới là trên hết".

Cuộc chiến mẹ chồng nàng dâu (Đạo Hoa Hương Hương)

Nội dung của tiểu thuyết là câu chuyện về cuộc chiến với mẹ chồng để được tái giá của Tả Đình Đình. Kết hôn được mấy tháng thì Tả Đình Đình mang thai, nhưng chồng cô - Trương Thiếu Phong - không may bị bệnh qua đời. Từ đó, Tả Đình Đình trở thành người đàn bà sát phu đáng ghét trong mắt mẹ chồng. Bởi vậy bà gây khó dễ với cô đủ điều.

Mẹ chồng không những ép cô ký vào một tờ giấy thỏa thuận rất bất công rằng "con trai chưa đầy 24 tuổi thì không được tái giá", lại còn thường xuyên theo dõi cô, ngăn cô có những hành động quá thân mật với đàn ông… Trong lúc đó, bạn trai cũ của Tả Đình Đình xuất hiện, mở ra một cơ hội đạt được hạnh phúc gia đình.

Bộ truyện được đánh giá là có cách tiếp cận khá mới lạ với mối quan hệ giữa mẹ chồng và nàng dâu. Tả Đình Đình là cô gái trẻ 8X chưa kịp hưởng hạnh phúc đã mất chồng, cô còn có một đứa con 10X cần phải nuôi nấng, nhưng cô cũng không muốn tuổi thanh xuân của mình cứ thế trôi đi cùng với người mẹ chồng vốn không ưa gì mình. Vì vậy, Tả Đình Đình muốn tái giá với bạn trai cũ.

Song chung voi me chong anh 3
Cuộc chiến mẹ chồng nàng dâu là cuốn sách mà những người lần đầu làm vợ, lần đầu làm mẹ nên đọc.

Mẹ chồng Trương Quế Chi luôn có cảm giác con trai bị cướp khỏi tay mình. Bà soi mói và thấy cô con dâu có rất nhiều thiếu sót. Cái chết của Trương Thiếu Phong càng làm tăng thêm ác cảm của bà với Tả Đình Đình. Một bà mẹ phong kiến, gia trưởng sẽ xử sự thế nào khi biết con dâu định "chạy trốn"?

Đạo Hoa Hương Hương sinh năm 1970, là tác giả chuyên viết những câu chuyện về mối quan hệ trong gia đình, đặc biệt là giữa mẹ chồng và nàng dâu. Cô còn có bộ Mẹ chồng, bye bye! cũng nói về sự khác biệt trong quan niệm giữa hai thế hệ và nỗ lực được sống riêng của đôi vợ chồng trẻ được yêu thích tại Việt Nam và Trung Quốc.

Ngoài ra, những tác phẩm nổi bật như: Hối hận vì cưới Mr Perfect, Ly hôn không chia nhà, Tôi không muốn lấy chồng... cũng giúp Đạo Hoa Hương Hương trở thành tác giả ưu tú trên các diễn đàn văn học mạng Trung Quốc.

Cách kể của Đạo Hoa Hương Hương chân thực, hấp dẫn, giúp cho khán giả có những giây phút thư giãn, cũng như nhận được nhiều bài học điều tiết các mối quan hệ trong gia đình.

Mẹ chồng nàng dâu: Trò chơi ghép hình (Cừu Nhược Hàm)

Tiểu thuyết vẽ lên bức tranh với những mảnh ghép về cuộc sống sau hôn nhân của một cặp vợ chồng xuất thân từ hai tầng lớp khác nhau: nông thôn - thành thị. Vì vậy, Mẹ chồng nàng dâu - Trò chơi ghép hình được đánh giá là đã phác họa nên một hiện tượng xã hội chân thực.

Giang Tiểu Tuyết - một cô tiểu thư con nhà gia giáo, giàu có phải đối mặt với lối sống thuần hậu song có phần cổ hủ, lạc hậu của mẹ chồng. Lý Văn Long, chàng trai nhà nghèo và có chí lên thành phố lập nghiệp và lập gia đình, anh đã gặp không ít khó khăn về mối quan hệ của mẹ và vợ. 

Những bức xúc mà cuộc sống sau hôn nhân luôn trăn trở chính là tiếng thổn thức của bao người trong thực tế cuộc sống.

Lý Văn Long và Giang Tiểu Thuyết lấy nhau đã được 4 năm mà vẫn chưa muốn sinh con, cuộc sống của họ trôi qua êm đềm và ngọt ngào. Nhưng từ sau cái chết của cha chồng, mẹ chồng xuất hiện đã khiến cho gia đình này xuất hiện những mâu thuẫn.

Bà là người mang đầy những tư tưởng "trọng nam khinh nữ", tiêu cực, hủ lậu... khiến cho những bế tắc càng sâu đậm hơn. Gia đình họ đã có lúc lay lắt bên bờ vực hôn nhân.

Song chung voi me chong anh 4
Mỗi độc giả dường như nhận thấy câu chuyện của chính mình trong Mẹ chồng nàng dâu - Trò chơi ghép hình.

Khai thác về cuộc sống sau hôn nhân, Cừu Nhược Hàm đi vào từng ngõ ngách sâu thẳm với những rắc rối tưởng chừng đơn giản nhất từ cuộc sống, nhưng tựa như những giọt nước làm tràn ly. Tất cả đều thực như cuộc sống thường nhật, hiện hữu trong mỗi gia đình ở những cấp độ khác nhau...

Dưới ngòi bút của Cừu Nhược Hàm, những rắc rối ấy được tái hiện thật sống động trên từng trang sách. Một độc giả đã bình luận như sau: "Truyện đã mô tả rất thực những mâu thuẫn xảy ra hàng ngày giữa mẹ chồng và nàng dâu.

Từ những điều rất nhỏ như việc sử dụng các vật dụng trong nhà, thói quen tiêu tiền hàng ngày cho đến những việc lớn hơn như sinh con. Tất tần tật đều tạo ra mâu thuẫn do quan niệm sống giữa 2 thế hệ: già/trẻ, 2 tầng lớp: giàu/nghèo, 2 nếp văn hóa: thành thị/nông thôn.

Nó căng thẳng đến mức có thể làm cho một đôi vợ chồng hạnh phúc đi vào bế tắc và buộc phải chọn con đường cuối cùng là chia tay dù vẫn còn rất yêu nhau. Đọc quyển sách trong 2 đêm liên tục. Và một kết thúc có hậu... Thấy thật nhẹ nhàng!".

Những cuốn sách tranh ý nghĩa dành cho các bé gái

Câu chuyện về các cô bé dũng cảm, khéo léo, nhân ái được kể qua những bức tranh sinh động chinh phục bạn đọc nhí.





Thủy Linh

Bạn có thể quan tâm