Ehon (sách tranh Nhật Bản) được trẻ em khắp nơi ưa thích không chỉ vì những bức tranh sinh động, nội dung trong sáng, hấp dẫn mà còn có tính giáo dục cao. Một số cuốn Ehon xoay quanh cuộc sống thường nhật với những tình tiết hấp dẫn dành cho các cô bé gái.
Những "chiến công" nhờ sự khéo léo của các bé gái
Chiến công đầu tiên của bé Mi kể chuyện bé Mi được mẹ nhờ đi mua sữa. Câu chuyện hấp dẫn bởi đây là lần đầu tiên cô bé tự đi một mình, nên hành trình đến cửa hàng tạp hóa của bé Mi như một câu chuyện phiêu lưu nhiều cung bậc cảm xúc.
Sách Chiến công đầu tiên của bé Mi. |
Trẻ nhỏ thường rất thích thú với những việc lần đầu tiên được cha mẹ giao cho vì chúng cho trẻ cảm giác mình đã lớn rồi. Vì vậy khi được mẹ nhờ đi mua sữa lại tự đi một mình, bé Mi đã nhảy cẫng lên và tự tin nói “Con đã 5 tuổi rồi mà mẹ”.
Theo dõi hành trình đi mua sữa giúp mẹ của bé Mi, các bé sẽ thấy như chính mình trong câu chuyện hoặc muốn mình cũng được mẹ giao cho đi mua đồ như bé Mi.
Các bức tranh được vẽ sinh động, tỉ mỉ cùng với những tình huống “nghẹt thở” sẽ giúp trẻ chăm chú khám phá. Ở đó, trẻ có thể cảm nhận được nỗi sợ hãi phải đứng nép vào tường của bé Mi khi xe đạp phóng vụt qua nhanh như gió, lúc bé Mi run rẩy và hồi hộp gọi người bán sữa. Các bé cũng có thể mừng rỡ khi phát hiện ra và chỉ cho mẹ rằng mình cùng từng bị ngã trầy đầu gối.
Cuốn sách nhỏ này còn giúp các bé cảm nhận được sự quan trọng của mình trong gia đình. Và chiến công đầu tiên của bé Mi không chỉ là một mình đi mua sữa, mà tuyệt vời nhất là bé Mi đã giúp đỡ được mẹ.
Nếu bé Mi trong câu chuyện Chiến công đầu tiên của bé Mi được mẹ nhờ đi mua sữa, thì cô bé Asae trong Asae và em gái bé nhỏ được mẹ nhờ trông em gái Aya đang ngủ. Không biết công việc nào khó hơn, nhưng chúng đều là những hành trình thú vị và vô cùng đáng yêu của các bé gái.
Asae đang chơi ngoài sân thì được mẹ nhờ trông em gái đang ngủ một lúc để mẹ ra ngân hàng có việc. Không lâu sau thì em gái thức dậy và khóc, Asae dẫn em ra ngoài chơi trong lúc chờ mẹ. Muốn em được vui, cô bé lấy phấn vẽ đường ray tàu để chơi trò xe chạy xình xịch cùng em.
Mải miết vẽ thật dài thật đẹp, khi Asae ngẩng lên mặt thì không thấy em gái Aya đâu. Cô bé lo lắng vội vã lao ra phố tìm em nhưng không thấy. Đoán rằng Aya có thể sẽ đến công viên nơi mẹ hay dẫn Aya đi chơi, Asae lập tức chạy đến đó.
Hành trình từ nhà ra phố, rồi chạy qua những con hẻm để tới công viên tìm em gái của Asae diễn ra trong hồi hộp, lo lắng. Asae vừa chạy vừa không ngừng gọi “Aya ơi!”. Hình ảnh cô bé Asae qua đó hiện lên đáng yêu, thông minh và rất thương yêu em gái nhỏ.
Sách Em gái bị ốm. |
Trong cuốn Ehon Em gái bị ốm, các bé sẽ được gặp lại Asae và em gái Aya. Lúc này, Asae không chỉ yêu thương mà còn biết nhường nhịn, hi sinh vì em gái.
Asae vốn rất thích búp bê Hoppeko, mỗi lần trước khi đi học, Asae lại cẩn thận đặt búp bê vào xe nôi. Một hôm, khi từ trường mẫu giáo trở về, Asae không thấy búp bê trong nôi nữa, Asae nghĩ chắc là Aya nghịch. Asae vào phòng gọi Aya trả lại búp bê nhưng thấy mẹ cõng em gái trên lưng để đi tới bệnh viện.
Dù sợ hãi khi phải ở nhà một mình, trời lại đổ mưa lớn nhưng Asea vẫn rất lo lắng cho em gái Aya. Ngày hôm sau, Asae được cùng bố vào bệnh viện thăm em. Cô bé đã chuẩn bị cho Aya rất nhiều món quà, trong đó có một món quà mà sẽ khiến các bé khi đọc sách sẽ vô cùng bất ngờ.
Những câu chuyện xoay quanh Asae và em gái nhỏ chắc chắn sẽ khiến các bé vô cùng yêu thích với nội dung gần gũi và hình vẽ sinh động, ngộ nghĩnh.
Câu chuyện nhân văn dành cho các bé gái
Bàn tay kì diệu của Sachi là một câu chuyện cảm động được viết bởi các cha mẹ trong Hội cha mẹ có con khuyết tật bẩm sinh ở Nhật Bản. Cuốn sách này mất 5 năm để hoàn thiện và ra đời vào năm 1985. Đến năm 2010, “Bàn tay kỳ diệu của Sachi” đạt mức 650 nghìn bản được bán, nằm trong danh sách các cuốn sách “longtime seller” ở Nhật Bản.
Truyện kể về cô bé Sachi ngây thơ, đáng yêu và luôn tràn ngập yêu thương. Nhưng thật không may, từ khi sinh ra Sachi đã bị khuyết tật ở bàn tay phải. Bàn tay phải của em không có ngón. Khi cả tổ “Hoa cánh bướm” của Sachi ở trường mẫu giáo chơi trò chơi, Sachi muốn được một lần đóng vai làm mẹ thay vì làm em bé hay em gái nhỏ như mọi khi.
Nhưng các bạn cùng tổ đều cho rằng Sachi không thể làm mẹ được, bạn Maria của Sachi nói “Mẹ mà không có tay thì lạ lắm!”. Những lời nói vô tình của các bạn đã làm tổn thương Sachi và khiến cô bé rất buồn. Mẹ nói rằng, bàn tay của em mãi vẫn vậy, các ngón tay sẽ không bao giờ được mọc lên. Sachi lo lắng nếu không có ngón tay, em sẽ không được làm mẹ.
Ngày mẹ sinh em bé, trên đường về nhà sau khi cùng bố vào bệnh viện thăm mẹ, Sachi hỏi bố về nỗi lo lắng đó. Và thật bất ngờ, bố nói với Sachi: “Không những làm được, mà Sachi có thể trở thành một người mẹ tuyệt vời nữa. Một người mẹ không chịu thua bất cứ ai!”. Bố còn nói, bàn tay em là một bàn tay kì diệu, có sức mạnh truyền sang bố khi hai bố con nắm tay nhau cùng đi.
Từ đó Sachi tự tin trở lại trường học, em được bạn Arika tặng một viên kẹo socola hình trái tim và cô giáo mời Sachi đóng vai Chức Nữ trong vở kịch cho lễ Thất tịch.
Bàn tay kỳ diệu của Sachi là câu chuyện đầy tính nhân văn dành cho trẻ em. Sự khác biệt của đôi bàn tay của Sachi sẽ khiến trẻ bối rối khi đọc cuốn sách. Nó truyền tải bài học nhẹ nhàng mà thấm thía dành cho các bé và cha mẹ về tình yêu thương, sự thấu hiểu và tôn trọng sự khác biệt của người khác.
Hai tập sách Bull và Kana. |
Bull và Kana gồm hai tập kể về quá trình trở thành bạn của nhau giữa chú chó Bull và cô bé Kana.
Chú chó Bull đến nhà cô bạn nhỏ Kana ở và rất muốn làm bạn cùng Kana. Vì vậy Bull chạy ra “âu yếm liếm mặt Kana”. Không ngờ rằng Kana giật mình òa khóc. Bull lại nghĩ thêm nhiều cách khác để lấy lòng cô bạn nhỏ như: Hát theo tiếng Piano của Kana, nằm yên giống như chú gấu bông,… nhưng Kana vẫn sợ hãi khóc thét và bỏ chạy.
Bull rất buồn, nghĩ Kana rất ghét mình nên chui vào chuồng, mọi người mang đồ ăn đến Bull cũng không chịu ra. Nhưng bất ngờ Kana mang miếng bánh đặt lên đĩa của Bull, chú liền chui ra và há miệng to ăn hết miếng bánh. Lúc này, Kana thích chí cười vang và Bull cùng Kana trở thành bạn của nhau.