Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đọc sách giúp trẻ nuôi dưỡng ước mơ như thế nào?

Theo tác giả Nhật Bản Ishikawa Koji, những cuốn sách triệu bản của ông đều bắt nguồn hay có liên hệ mật thiết với sở thích và những gì ông được đọc khi còn nhỏ.

Ishikawa Koji (sinh năm 1963) là họa sĩ truyện tranh Nhật Bản nổi tiếng. Bộ sách thành công nhất của ông - Cùng chơi trốn tìm - đã bán tới hơn hai triệu bản, được chuyển sang nhiều ngôn ngữ khác nhau.

Ông là một trong các tác giả Ehon (sách tranh) được chú ý trên tầm quốc tế. Tác phẩm của ông mang ý tưởng độc đáo, hình dáng và màu sắc ấm áp. Bằng việc lập kế hoạch cho mỗi cuốn sách tranh đến việc nhất quán trong từng câu chữ, hình ảnh minh họa, thiết kế sách, ông đã sáng tạo và xuất bản ra nhiều tác phẩm có tính phổ biến và mang tính nghệ thuật cao.

Ishikawa Koji noi ve ich loi cua doc sach anh 1
Tác giả Ishikawa Koji giới thiệu tranh truyện cho trẻ em trong Ngày hội Ehon 2018 tại Hà Nội.

Cuối tuần qua, Ishikawa Koji tham gia chuỗi hoạt động thuộc sự kiện Ngày hội Ehon Nhật Bản 2018 tại Hà Nội. Ông chia sẻ về quá trình sáng tác tranh truyện, về những sở thích, đam mê tuổi thơ đã nuôi dưỡng cho sự nghiệp sau này.

Điều ta muốn khi còn nhỏ sẽ là chìa khóa cho sự nghiệp tương lai

Koji Ishikawa kể thuở nhỏ ông yêu thích hội họa, và say mê trò chơi thủ công, gấp giấy Origami. “Bố mẹ đã mua cho tôi nhiều cuốn sách tranh, sách hướng dẫn thực hành Origami. Tôi có thể gấp một con bọ hung với sáu chân, hai sừng mà không cần đến một nhát kéo nào. Đây là trải nghiệm đầu tiên hướng tôi quan tâm đến tạo hình”, Ishikawa nói.

Năm 1970, Expo (hội chợ thế giới) tổ chức tại Osaka, trong đó dựng những ngôi nhà của các quốc gia tham dự. Tuy không có điều kiện tham quan, nhưng Ishikawa có được một cuốn catalogue về triển lãm quốc tế này.

Ishikawa Koji noi ve ich loi cua doc sach anh 2
Một độc giả nhí say mê với những cuốn tranh truyện tại Ngày hội Ehon Nhật Bản 2018. Ảnh: Do Tien Thanh

Ngày nào, cậu bé Ishikawa bảy tuổi cũng lật giở từng trang giấy xem các khối hình, kiến trúc những ngôi nhà được dựng tại Expo Osaka. “Tôi đã say mê những hình khối, màu sắc từ đó. Điều này là cú hích rất lớn để tạo nên tôi hôm nay với tư các một nhà sáng tạo truyện tranh”, Ishikawa khẳng định.

Đam mê với những cuốn tranh truyện, gấp giấy, lớn lên Ishikawa thi vào đại học mỹ thuật, rồi trở thành họa sĩ truyện tranh. “Sau 7 năm sáng tác, tôi giật mình nhận ra những cuốn tranh truyện mình tạo ra bây giờ tương đồng với những gì tôi đã làm thuở nhỏ”, Ishikawa nói. 

Chứng minh cho nhận định ấy, Ishikawa Koji đã đưa ra những tác phẩm đầu đời của mình. Bức tranh ông vẽ lúc 5 tuổi, về cuộc chiến giữa con tàu và ác quỷ, tương đồng với cuốn sách về chuyến đi của một con tàu mà ông vẽ ra năm 45 tuổi.

Năm 6 tuổi, cậu bé Ishikawa thực hiện một bức tranh xé giấy về việc phóng tàu vũ trụ Apollo. Cho tới năm 46 tuổi, tác giả đã thực hiện cuốn sách Cậu bé khối hộp, nhân vật chính là một cậu bé người gỗ được ghép từ nhiều miếng gỗ khác nhau, cậu đã thực hiện một chuyến đi dài để cuối cùng trở thành món quà cho bạn nhỏ.

"Khi còn nhỏ, những điều chúng ta tiếp xúc, khám phá sẽ trở thành chìa khóa để sau này chúng ta trở thành con người như thế nào, cống hiến cho xã hội ra sao".

Ishikawa Koji

Những tác phẩm mà Ishikawa cắt dán năm 8 tuổi, với hình của những con côn trùng, không khác gì hình ảnh trong bộ truyện Cùng chơi trốn tìm ông tạo ra năm 43 tuổi. “Không phải tôi bắt chước lại những gì thuở nhỏ đã làm, mà là tôi nhận ra sự tương đồng những gì làm thuở nhỏ với bây giờ, dường như những gì mình tạo ra, vẫn còn nguyên trong tâm trí”, Ishikawa nói.

Đọc sách giúp trẻ có nhiều năng lượng tích cực

Một trong những nội dung mà tác giả Ishikawa Koji nhắc tới khi tham dự Ngày hội Ehon tại Hà Nội là sự hữu ích của những cuốn tranh truyện đối với thiếu nhi. Với tác giả Cùng chơi trốn tìm, sách là nơi chứa đựng năng lượng sống. Một cuốn sách giống như người bạn tâm sự cùng chúng ta. Nhiều cuốn từ điển hoặc tranh minh họa, giúp gợi mở trí tò mò của trẻ em với hiện tượng xung quanh.

Ông còn cho rằng đọc sách giúp trẻ nhiều năng lực tự thân cơ bản, như nhận thức thế giới, hình thành kỹ năng tự tìm kiếm các nguồn thông tin, nâng cao thẩm mỹ…

Ishikawa Koji noi ve ich loi cua doc sach anh 3
Một trang trong bộ sách đục lỗ Cùng chơi trốn tìm kích thích trẻ em tương tác với sách.

Xuất phát từ quan điểm trên, họa sĩ Nhật Bản đã tạo ra những bộ sách mà cha mẹ có thể đọc, tương tác cùng con cái. Bộ truyện đang bán chạy Cùng chơi trốn tìm là ví dụ điển hình.

Từ ý tưởng là trò chơi mọi em bé đều thích (chơi trốn tìm), họa sĩ đã vẽ nên hình con vật với gam màu sống động. Sáng tạo của Ishikawa ở chỗ, ông chỉ vẽ một vài nét cơ bản trên một mặt giấy, trẻ em muốn biết con vật đó là gì thì phải sử dụng tới trang sách tiếp theo - nơi đục khuôn hình của con vật. Khi trẻ em lật mở khung hình đó, ghép với trang giấy có hình vẽ, sẽ tìm ra được con vật đang “trốn” ở trang trước.

Bộ sách phù hợp cho trẻ dưới 6 tuổi - phần lớn trẻ chưa biết chữ. Khi sử dụng bộ sách, cha mẹ có thể đọc câu đố (có vần điệu như những bài thơ dễ thuộc) mang tính gợi mở, để trẻ tự lật mở, tháo, ghép khuôn hình và khám phá sách. Bộ truyện do đó còn mang tính kết nối giữa người lớn với trẻ con.

Không dừng lại ở đó, Ishikawa còn sáng tạo ra những cuốn tranh truyện Pop-up. Ở những cuốn sách Pop-up thông thường, khi mở ra sẽ tạo nên một mô hình 3D. Nhưng tranh truyện của Ishikawa còn mang tính tương tác cao hơn. Ông thiết kế những khuôn hình sao cho trẻ có thể mở sách, tháo những hình đã đục lỗ sẵn ra và lắp ghép thành một mô hình, một món đồ chơi lâu dài. Nếu không thích, trẻ có thể tháo mô hình ra, ghép lại vào khuôn thành cuốn sách như ban đầu.

Ishikawa Koji noi ve ich loi cua doc sach anh 4
Mô hình con vật được lắp ghép từ những cuốn sách Pop-up của Ishikawa.

Theo Ishikawa, khi đã có được những cuốn sách, tranh truyện với nội dung tốt, người lớn vẫn nên dành khoảng thời gian để đọc sách cùng con.

“Ai cũng biết đọc sách ảnh hưởng tích cực tới trẻ em, nhưng quan trọng hơn là chúng ta tạo ra môi trường để có trải nghiệm thú vị, hữu ích với sách. Tốt nhất, xuất phát điểm, chúng ta hãy cùng đọc với con. Người lớn nên trân trọng khoảng thời gian dành riêng cho con, càng ý nghĩa hơn khi tận dụng khoảng thời gian riêng đó cùng khám phá một cuốn tranh truyện với trẻ nhỏ”, Ishikawa đưa ra lời khuyên với các phụ huynh.

Tần Tần

Bạn có thể quan tâm