Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Muôn kiểu bán hàng Tết thông minh của người miền Tây

Nếu nhiều người chọn bán sỉ thì ông Phan Văn Trọng ở Chợ Lách chọn cách phô diễn nghệ thuật kết hình kiểng thú bằng trái đào tiên để hút khách.

Hoa kiểng: rao bán sỉ

Cả rừng màu sắc của rất nhiều loại hoa dễ tạo cảm giác choáng ngộp cho người đi đường nếu ngang qua làng hoa Chợ Lách (Bến Tre), Sa Đéc (Đồng Tháp) hay Long Tuyền (quận Bình Thuỷ, Cần Thơ)… Kiểng tắc hình ngựa là sản phẩm đúng tâm lý trưng bày Tết năm nay, nhưng bà Lê Thị Chín, cơ sở cây kiểng ở xã Hưng Khánh Trung B (Chợ Lách, Bến Tre) đã chọn cho mình phương thức bán sỉ.

Rồng kết bằng trái đào tiên quấn mình quanh gốc đu đủ vàng.

Bà Chín cho biết, đa phần các loại kiểng đắt tiền khách hàng phải đặt trước. Theo bà Chín, như vậy khách sẽ tránh được sốt giá giờ cuối khi hút hàng, quy cách sản phẩm và nhu cầu luôn được đáp ứng đủ. Phương thức mua bán này cũng giúp nhà vườn chủ động sản phẩm hơn và chắc chắn có lời, dù không nhiều. Giá đặt hàng sỉ mỗi cặp ngựa tắc khoảng 3 – 6 triệu đồng, nhưng giá bán lẻ tới thời điểm này là… hết hàng.

Bà Nguyễn Thị Hồng Chi, chuyên sản xuất hoa treo, hoa để bàn ở xã Long Thới (Chợ Lách) lại có cách “lượm bạc” khác. Bà Chi cho rằng, các loại hoa treo, hoa để bàn… giá trị không lớn nhưng số lượng bán thì vô kể. Các loại hoa treo hiện vẫn giữ giá bán rất bình dân: 30.000 – 50.000 đồng/chậu; hoa để bàn tuỳ loại 10.000 – 50.000 đồng/chậu. “Khách đi đường bằng phương tiện xe bốn bánh thường mua lẻ vài chục chậu, còn nếu gặp khách sỉ thì số lượng bán phải tính bằng trăm", bà Chi khoe.

Ông Nguyễn Phúc Nhân, trồng hoa ở làng hoa Long Tuyền (quận Bình Thuỷ, Cần Thơ) đã rao tìm khách hàng sỉ từ hơn tuần trước cho hơn 5.000 giỏ hoa Tết các loại. Theo ông Nhân, “ôm” hàng tới Tết để bán lẻ sẽ lời nhiều hơn, nhưng phải chạy chợ rất nhọc công. Còn ông Phan Văn Trọng (xã Hưng Khánh Trung B, Chợ Lách) đã chọn cách phô diễn nghệ thuật kết hình kiểng thú bằng trái đào tiên. Ngoài mô hình con ngựa, ông Trọng còn thiết kế cả con rồng quấn quanh gốc cây đu đủ. Theo ông Trọng, cây đu đủ mang trái màu vàng, trái đào tiên cũng màu vàng… Tất cả đều là may mắn, nhưng giá mềm hơn kiểng tắc.

Đặc sản hiếm chào chợ tết

Làng nghề chuyên đánh bắt cá bông lau trên sông Hậu, Vàm Nao (An Giang) năm nay đón Tết bằng mùa cá bông lau trúng đậm. Ông Út Hiển, thương nhân kinh doanh đặc sản ở thành phố Long Xuyên, cho biết: “Mùa cá năm nay gần như trùng dịp tết, đây là cơ hội để người dân thành thị có dịp tha hồ thưởng thức loại đặc sản da trơn thứ thiệt này trong mấy ngày nghỉ tết”. Bình thường, thực khách chưa sành ăn lắm vẫn phải nhấm đi nhấm lại con cá tra bần mà thường được người bán ghi trong thực đơn là cá bông lau.

Cá bông lau là đặc sản đã hiếm trên sông Cửu Long, nhưng năm nay, lượng cá mà dân đánh lưới bắt được khá nhiều, kích cỡ cũng lớn… Hiện tại, đã có vài thương lái thu gom loại đặc sản này. Theo dự đoán của ông Hiển, giá cá tươi khi về tới khu vực TP.HCM có thể sẽ tăng gấp rưỡi hoặc hơn nữa, trong khi giá thu gom tại chỗ hiện không quá 200.000 đồng/kg. Cùng lúc này, đã có một lượng không nhiều sản phẩm cá bông lau một nắng mang xuất xứ miền Tây chào thị trường. Cá bông lau một nắng dù không đúng gu với những người thích ăn cá tươi, nhưng kèm theo ly rượu chúc xuân, khô bông lau có thừa hương vị để đánh bật những miếng lạp xưởng thường hay đi cùng dĩa dưa kiệu, hành chua...

Lâu nay, cá tra phồng dường như độc quyền trong lớp da trơn tại các nhà hàng ở miền Tây. Nay vài địa chỉ ẩm thực có thêm sự góp mặt của bông lau một nắng. Có lẽ, nhà sản xuất đã chọn năm con ngựa để cho ra mắt sản phẩm mới này với hy vọng mã đáo thành công.

TP.HCM: 130 điểm chợ hoa đón Tết

Theo sở Giao thông vận tải TP.HCM, Tết Giáp Ngọ 2014, thành phố sẽ tổ chức 131 chợ hoa Tết để phục vụ nhu cầu tham quan, mua sắm của người dân, trong đó có ba chợ hoa cấp thành phố và 128 chợ hoa cấp quận/huyện.

Ba chợ hoa Tết cấp thành phố vẫn tổ chức ở các địa điểm truyền thống là công viên 23/9, công viên Gia Định và công viên Lê Văn Tám. Ở cấp quận/huyện, quận 8 và Thủ Đức là hai địa phương tổ chức nhiều chợ hoa Tết nhất (23 điểm); các quận 9, Gò Vấp, Bình Tân, Tân Phú, Hóc Môn chỉ tổ chức một điểm chợ hoa tết.

Ngoài chợ hoa dọc bến Bình Đông quận 8, với đặc thù “trên bến dưới thuyền”, còn thêm các điểm chợ hoa với mô hình trên tại chợ đầu mối nông sản thực phẩm Bình Điền, cảng Phú Định.

Trên địa bàn quận 7 cũng có hai chợ hoa đặc sắc là chợ hoa Tết dọc bờ kè Trần Xuân Soạn và chợ hoa Tết tại khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng. Dự kiến chợ hoa Tết trên địa bàn thành phố sẽ đồng loạt diễn ra từ ngày 23/1/2014 (23 tháng chạp) và kéo dài đến 12h trưa ngày 30/1 (30 tháng chạp). Riêng chợ hoa Tết tại quận 7 và quận 8 được tổ chức từ ngày 15/1/2014.

 

http://sgtt.vn/Kinh-te/186977/Hang-tet-tim-duong-ra-cho.html

Theo Sài Gòn Tiếp thị

(Znews đặt lại tiêu đề bài viết)

Bạn có thể quan tâm