Bức thư được đăng trên tờ Washington Post ngày 3/1, khi Tổng thống Donald Trump tiếp tục phủ nhận việc ông thua trước đối thủ Joe Biden.
Bức thư được 10 cựu bộ trưởng Quốc phòng Mỹ ký tên. Những người này gồm các ông Dick Cheney, James Mattis, Mark Esper, Leon Panetta, Donald Rumsfeld, William Cohen, Chuck Hagel, Robert Gates, William Perry và Ashton Carter.
CNN nhận định bức thư là sự phản kháng mạnh mẽ nỗ lực "lật kèo" bầu cử của ông Trump chỉ vài ngày trước khi Quốc hội Mỹ kiểm phiếu bầu của cử tri đoàn vào ngày 6/1.
"Các cuộc bỏ phiếu đã diễn ra. Phiếu bầu cũng được kiểm tra và đếm lại. Những đơn kiện chính đáng đã được tòa án giải quyết. Các thống đốc đã chứng nhận kết quả. Cử tri đoàn cũng hoàn tất bỏ phiếu. Thời gian thắc mắc về kết quả đã qua rồi. Giờ là lúc chính thức đếm phiếu của đại cử tri đoàn, như được quy định trong hiến pháp và luật", các cựu bộ trưởng viết.
Các cựu bộ trưởng Quốc phòng cũng cho rằng những cuộc chuyển giao tổng thống "là một phần quan trọng của việc chuyển giao quyền lực thành công".
"Những việc này diễn ra vào thời điểm mà thế giới không chắc chắn về chính sách và thế trận an ninh của Mỹ. Đó cũng là lúc đất nước dễ bị những kẻ thù tìm cách lợi dụng tình hình để tấn công", theo bức thư.
Hồi tháng 11/2020, ông Trump loại bỏ cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper và thay đổi nhiều lãnh đạo của Lầu Năm Góc, bố trí những người trung thành với tổng thống.
Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper, người bị ông Trump sa thải vào tháng 11/2020, là một trong 10 cựu bộ trưởng ký tên trong bức thư. Ảnh: Reuters. |
Sự thay đổi nói trên khiến các quan chức ở Lầu Năm Góc bất an và bị đặt trong tình trạng báo động.
Trước đó, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân, tướng Mark Milley, nói với quốc hội vào tháng 8/2020 rằng quân đội sẽ không giúp giải quyết bất kỳ tranh chấp bầu cử nào.
Điều này được nhóm cựu bộ trưởng Quốc phòng khẳng định lại trong lá thư. Họ nói rằng nỗ lực để quân đội can thiệp vào bầu cử là “nguy hiểm, bất hợp pháp và vi hiến".
Kết thúc bức thư, những người từng đứng đầu Lầu Năm Góc kêu gọi Bộ Quốc phòng "kiềm chế mọi hành động chính trị" có thể làm suy yếu kết quả bầu cử hoặc gây hại cho việc chuyển đổi sang chính quyền mới.
"Chúng tôi kêu gọi họ, bằng những lời lẽ mạnh mẽ nhất, hãy làm như nhiều thế hệ người Mỹ trước đó", theo bức thư.