Tổng thống Trump, từng là ngôi sao truyền hình thực tế, vẫn luôn muốn là nhân vật trung tâm mọi lúc, mọi nơi, dù là khi đã vào chính trường. Ông tự hào về nền kinh tế “mạnh nhất thế giới", giây phút gặp gỡ lịch sử với lãnh đạo Triều Tiên ở DMZ, hay "thỏa thuận lịch sử" với Trung Quốc. Trong một buổi họp báo ở châu Á vừa qua, ông nói "tốt nhất" 9 lần, "khó tin" 16 lần, "khổng lồ" 28 lần, và "vĩ đại/vĩ đại nhất" 50 lần, theo New York Times.
Trở về từ châu Á ngay trước Quốc khánh Mỹ 4/7, ông cũng muốn ngày lễ độc lập dưới nhiệm kỳ ông lớn nhất so với các tổng thống khác, với xe tăng, máy bay nhào lượn và bài phát biểu hào hứng vốn là thương hiệu của ông.
Chính trị Mỹ dưới thời Tổng thống Trump luôn gây ngạc nhiên, nhưng cũng có những diễn biến tương đồng lặp đi lặp lại: chính quyền luôn bí mật, gây nghi ngờ, còn đảng Dân chủ yêu cầu thông tin, đòi minh bạch. Đối với dịp 4/7 năm nay, vấn đề gây tranh cãi là chi phí mập mờ của các buổi lễ hoành tráng.
Pháo hoa ở Công viên Quốc gia National Mall ở Washington, DC ngày 4/7/2017. Ảnh: AFP |
Máy bay nhào lượn và xe tăng
Theo CNN, ngoài các buổi hòa nhạc và tôn vinh văn hóa như mọi năm, lần này ông Trump muốn các chiến đấu cơ bay lượn, xe tăng, pháo hoa kéo dài, giữa những hoài nghi về chi phí cũng như cách tổ chức mang tính đảng phái đối với một dịp lễ mang ý nghĩa đoàn kết.
Các điểm bắn pháo hoa hàng năm phải dời đi để nhường chỗ cho chương trình hoàn toàn mới của ông Trump mang tên “Kính chào nước Mỹ”, ở khu vực Đài tưởng niệm Lincoln. Không phận thủ đô Washington, DC sẽ đóng hai tiếng để phục vụ màn trình diễn máy bay, khác hẳn mọi năm. Các quan chức vẫn chưa thể ước tính chi phí của việc đóng cửa không phận.
Chương trình này sẽ bao gồm bài phát biểu của tổng thống.
Có những ý kiến về việc chương trình “Kính chào nước Mỹ” dành vé VIP cho những người đã ủng hộ tiền cho ông Trump, cho thấy sự phân biệt đảng phái đối với sự kiện vốn dành để tôn vinh nước Mỹ. Theo một người tổ chức, có 500 vé VIP bên cạnh 15.000 chỗ ngồi phổ thông.
Ông Trump từng rất muốn tổ chức diễu binh nhân dịp lễ Cựu chiến binh năm 2018, nhưng kế hoạch đó vấp phải phản đối dữ dội, vì tốn kém và gợi nên hình ảnh các nước là đối thủ của Mỹ như Nga, Triều Tiên hay Iran.
Xe tăng M1 Abrams chuẩn bị được trưng bày trong các buổi lễ 4/7 ở thủ đô. Ảnh: Getty. |
Nhưng lần này, ông Trump sẽ được toại nguyện phần nào. Các khí tài quân sự như xe tăng sẽ được trưng bày cho công chúng, nhưng sẽ không diễu hành dọc đại lộ chính như ông Trump đã chứng kiến trong chuyến thăm Paris năm 2017.
Các máy bay từ cả năm quân chủng trong quân đội Mỹ, nổi bật là đội bay trình diễn Blue Angels của hải quân, sẽ bay cùng chuyên cơ chở tổng thống. Một số chiếc F-35 và F-18 cũng có thể sẽ trình diễn, một quan chức nói với NPR.
Các nghị sĩ Dân chủ trong Quốc hội Mỹ đã lên tiếng về sự mập mờ trong chi phí dành cho dịp lễ.
“Chắc chắn giá sẽ cao và người đóng thuế sẽ phải bỏ tiền ra chi trả”, Thượng nghị sĩ Chris Van Holle, bang Maryland, nói với NPR.
“Chúng tôi vẫn chưa nhận được thông tin gì về chi phí, thật khó hiểu”, Thượng nghị sĩ Tom Udall từ bang New Mexico nói.
Giáo sư Đại học Denver Andrew Sherbo cho biết chiếc Boeing 747 chuyên chở tổng thống sẽ tốn 205.000 USD/giờ. Chi phí một giờ vận hành F-35 sẽ là 20.000 USD hoặc hơn. Đội bay Blue Angels sẽ tốn 6.000 USD/ngày, vì bay trình diễn là một phần trong hoạt động tập huấn thường xuyên của họ, theo NPR.
Đội bay Blue Angels của Hải quân Mỹ mừng lễ tốt nghiệp và phân công công tác ở Học viện Hải quân Mỹ ở Annapolis, Maryland ngày 27/5/2016. Ảnh: AP. |
Cáo buộc "vận động tranh cử" bằng tiền thuế?
“Sẽ không giống những năm trước, sẽ đặc biệt, tôi hy vọng mọi người đến nhiều”, ông Trump tự hào nói với các phóng viên.
Ông nói thêm xe tăng sẽ không diễu hành dọc đại lộ Pennsylvania vì nguy cơ làm hỏng mặt đường.
Chính quyền của ông vẫn còn nợ tiền thành phố Washington D.C. tới 7,3 triệu USD từ lễ nhậm chức tháng 1/2017. Vì vậy, đại biểu của D.C. trong Quốc hội Eleanor Holmes Norton tiếp tục lên tiếng: “Chúng tôi rất quan ngại trước một sự kiện mà chúng tôi không được cho biết chi phí, dù họ vẫn nợ tiền chúng tôi”.
Theo NPR, tiền tổ chức kỷ niệm 4/7 đến từ quyên góp của cá nhân, tổ chức, ngân sách Bộ Nội vụ và Bộ Quốc phòng, vì vậy khó kiểm soát ngay cả trong những năm trước đây. Năm nay, với chương trình của tổng thống, chi phí sẽ còn mập mờ hơn.
Theo quy định, tiền thuế của người Mỹ không thể được dùng để chi trả cho một buổi vận động chính trị. Bài phát biểu của ông Trump dịp 4/7 bị cáo buộc đang “ngấp nghé” giới hạn đó.
Ông Udall còn gọi chương trình của ông Trump là một cuộc vận động tranh cử. “Thật khó chấp nhận khi Bộ Nội vụ không thể cho Quốc hội biết ngân quỹ cho chương trình 4/7 xa xỉ của tổng thống lấy từ đâu ra... trong đó còn có việc đưa vé VIP cho những người thân cận về chính trị”, ông Udall nói trong một thông cáo ngày 2/7.
“Người Mỹ xứng đáng được biết bao nhiêu tiền thuế của họ được dùng để biến lễ ăn mừng ngày Quốc khánh thành cuộc vận động tranh cử trá hình... Chúng tôi cần câu trả lời”, thượng nghị sĩ nói.
Ông Trump sẽ phát biểu vào dịp 4/7 trong chương trình “Kính chào nước Mỹ”. Ảnh: Getty Images. |
Tuy nhiên, một quan chức Nhà Trắng phản bác lại rằng bài phát biểu của ông Trump sẽ nhằm mục đích đoàn kết.
“Bài diễn văn sẽ không mang tính chính trị, mà sẽ tôn vinh nước Mỹ”, người này nói.
Và vì đây là nước Mỹ, các nhà hoạt động không lãng phí một dịp biểu tình phản đối tổng thống. Họ đã xin giấy phép mang vào quảng trường National Mall một quả bóng khổng lồ hình em bé Trump, giống cách mà người London đã chế nhạo chuyến thăm của ông.
Tuy nhiên, theo NPR, họ phải xin phép Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) để có thể thổi quả bóng bằng khí heli và nâng nó lên cao. Nếu không, họ sẽ dựng mô hình đứng trên mặt đất. Họ cũng sẽ phân phát 100 phiên bản nhỏ hơn của quả bóng bay em bé Trump.
Những cựu binh tìm cách “trêu ngươi” tổng thống bằng cách phát áo in hình tàu khu trục USS John McCain, cùng tên với thượng nghị sĩ đã quá cố của bang Arizona vốn thường chỉ trích tổng thống. Ông Trump mâu thuẫn với ông McCain tới mức khi tổng thống tới thăm Nhật Bản vào tháng năm, các quan chức Nhà Trắng đã buộc thủy thủ phải che tên tàu, gây phẫn nộ rộng rãi.
Như vậy, dịp 4/7 năm nay ở Mỹ sẽ không nhiều các lễ hội tôn vinh các nền văn hóa, nhưng vẫn đầy đặc trưng của Mỹ thời nay: sự cao hứng của Tổng thống Trump, sự chia rẽ về chính trị cũng như nhiệt huyết của những nhà hoạt động chống lại ông.