Đợt bùng phát Covid-19 trong thời gian gần đây ở Triều Tiên đã dẫn đến xu hướng khắc họa nhà lãnh đạo Kim Jong Un trong vai trò trung tâm và mũi nhọn.
Truyền thông nhà nước KCNA đưa lại hình ảnh ông thường xuyên đến các hiệu thuốc vào đêm khuya để kiểm tra nguồn cung y tế, chỉ trích các quan chức vì “thái độ buông lỏng" trong việc bảo vệ, ngăn chặn sự lây lan của virus và mô tả đợt bùng phát là cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất của đất nước.
Các chuyên gia y tế cho rằng Covid-19 có thể đã xâm nhập vào một số khu vực ở Triều Tiên từ trước, nhưng số ca mắc gia tăng rõ ràng ở Bình Nhưỡng là một vấn đề thu hút sự quan tâm lớn.
Người dân đeo khẩu trang phân phát rau củ trong bối cảnh ngày càng có nhiều lo ngại về sự lây lan của dịch Covid-19 ở Bình Nhưỡng, Triều Tiên. Ảnh: Kyodo. |
Ba triệu người dân ở Bình Nhưỡng còn phải đối mặt rủi ro lớn hơn khi Triều Tiên chưa triển khai tiêm vaccine.
“Chính quyền Triều Tiên nhận ra rằng sẽ rất khó để giữ kín điều này, vì vậy thay vào đó, họ sử dụng nó như một cơ hội để cố gắng làm cho hình ảnh ông Kim Jong Un trở nên tích cực hơn”, Wall Street Journal dẫn lời ông Go Myung-hyun, một thành viên cấp cao tại Viện Asan ở Seoul.
Chiến lược của ông Kim
Ông Go cho biết Triều Tiên từ đầu không theo đuổi chiến lược tiêm vaccine.
“Việc tạo ra sự phụ thuộc vào các quốc gia bên ngoài, đặc biệt là vào đối thủ Hàn Quốc hoặc Mỹ, để nhận vaccine và tiêm nhắc lại cũng có thể làm suy yếu khả năng chủ động của Triều Tiên”, ông nói.
Thay vào đó, chiến lược là để cho tầng lớp tinh hoa ở Bình Nhưỡng thấy rằng trận chiến chống Covid-19 có thể giành chiến thắng bằng chính sự lãnh đạo của ông Kim và nguồn lực của Triều Tiên. Truyền thông nhà nước đã gọi ông Kim là “chỉ huy tuyến đầu trong cuộc chiến ngăn chặn” dịch bệnh và là “hiện thân của sự tận tâm vì nhân dân”.
Trong cuộc họp gần đây của Bộ Chính trị, ông Kim nói các quan chức của đảng nên chứng minh năng lực của mình bằng cách đối phó thành công với đợt dịch bùng phát. Ông cũng kêu gọi người dân củng cố lòng tin vào lãnh đạo, theo truyền thông nhà nước.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đến thăm một hiệu thuốc ở Bình Nhưỡng. Ảnh: KCNA. |
Kể từ khi Triều Tiên công bố dịch bùng phát, các chuyên gia cho rằng ông Kim đã đặt chính mình ở vị trí "trung tâm và mũi nhọn" trong nỗ lực ứng phó Covid-19 của đất nước. Ông liên tục chủ trì cuộc họp của Bộ Chính trị Triều Tiên, thẳng thắn thừa nhận về cuộc khủng hoảng Covid-19.
KCNA cho hay các loại thuốc do gia đình ông Kim quyên góp đã được phân phát cho người dân ở tỉnh Nam Hwanghae. AFP cho rằng điều này nhằm làm nổi bật vai trò cá nhân của ông trong việc chống lại dịch bệnh bùng phát.
Nếu tác động của đại dịch đối với Triều Tiên, và đặc biệt là Bình Nhưỡng, không xấu như lo ngại, thì giới lãnh đạo có thể tận dụng nó như một cơ hội để mở lại biên giới với Trung Quốc và nối lại thương mại khi nước này đạt được miễn dịch cộng đồng, những nhà quan sát Triều Tiên nhận định.
Nguy cơ của đợt dịch vẫn còn cao, nhưng ông Kim có thể nổi lên với vị thế mạnh hơn nếu cuộc khủng hoảng hiện tại dẫn đến việc giảm bớt tình trạng thiếu lương thực và tình hình kinh tế tồi tệ do đóng cửa biên giới kể từ khi đại dịch bùng phát.
“Đây là cơ hội để chứng minh đất nước có thể vượt qua khủng hoảng dưới sự lãnh đạo của ông ấy”, Hong Min, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện thống nhất quốc gia Hàn Quốc, tổ chức tư vấn do chính phủ tài trợ ở Seoul, cho biết.
Bức tranh chưa rõ ràng
Hơn 263.370 người được ghi nhận có triệu chứng sốt và thêm 2 ca tử vong được báo cáo trong ngày 20/5, tính tới 18h ngày 19/5, nâng tổng số ca tử vong lên 65, KCNA cho biết.
Tổng số “ca sốt” được ghi nhận từ cuối tháng 4 ở Triều Tiên - quốc gia có dân số 25 triệu người - đang ở mức hơn 2,24 triệu. Trong đó, hơn 1,48 triệu trường hợp đã hồi phục và ít nhất 754.810 người đang được điều trị, KCNA dẫn dữ liệu từ cơ quan phòng ngừa dịch bệnh khẩn cấp.
Các chuyên gia y tế cho biết con số thực tế có thể cao hơn, nhưng Triều Tiên đã từ chối chia sẻ thông tin với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cũng như từ chối đề nghị hỗ trợ y tế, thuốc kháng virus và vaccine từ Hàn Quốc. Thay vào đó, nước này đã bí mật vận chuyển các chuyến hàng y tế từ Trung Quốc và tập hợp nguồn lực ở Bình Nhưỡng.
Đường phố bị phong tỏa ở Bình Nhưỡng trong bối cảnh số ca mắc Covid-19 ngày càng tăng ở Triều Tiên. Ảnh: Kyodo. |
Một người đã rời Triều Tiên vào năm 2019 nhưng vẫn duy trì liên lạc trong nước cho biết hàng hóa y tế đã được chuyển đến thủ đô từ các tỉnh, chỉ để lại rất ít cho những người ở nông thôn, nơi các bệnh viện và phòng khám vốn đã thường xuyên thiếu nguồn cung.
Một người đào tẩu, có mối liên hệ với Triều Tiên, trong tuần này cho biết các trường hợp nhiễm bệnh ở khu vực biên giới phía tây bắc đang lan rộng.
Tình trạng suy dinh dưỡng của người dân ở khu vực nghèo khó cùng hệ thống y tế không đạt chuẩn đã làm dấy lên lo ngại về số ca mắc Covid-19 tăng cao. Tuy nhiên, người cung cấp thông tin cho biết hầu hết người dân mắc bệnh đều bị sốt trong vài ngày và không coi bệnh này quá nghiêm trọng.
Khó để có được một bức tranh tổng thể, chính xác về tình hình dịch bệnh ở Triều Tiên nhưng một số tổ chức nhân quyền cảnh báo sự lây lan của Covid-19 quốc gia chưa được tiêm phòng, có khả năng tạo ra một cuộc khủng hoảng sức khỏe chưa từng có, kể từ khi nạn đói vào những năm 1990 ở Triều Tiên khiến hơn một triệu người thiệt mạng.
Dù vậy, dân số tương đối trẻ của Triều Tiên có thể là một yếu tố giữ cho tác động của đợt bùng phát nhẹ nhàng hơn. Tỷ lệ mắc bệnh nặng và tử vong do Covid-19 trên khắp thế giới ở những người trẻ tuổi thấp hơn nhiều.
Độ tuổi trung bình ở Triều Tiên là 34,6, theo CIA World Factbook, thấp hơn so với 43,2 ở Hàn Quốc - nơi có gần 24.000 người chết vì Covid-19.