Tác phẩm xoay quanh câu chuyện về thiên tài nước hoa Jean-Baptiste Grenouille, là một hỗn hợp hoàn hảo được tạo nên từ sự ly kỳ của một cuộc đời tài hoa, quái dị, sự rùng rợn của hàng loạt vụ án mạng bí ẩn, cái ồn ào điên loạn của giống người mê đắm nhục cảm và vẻ thanh khiết hoang dại của con thú cô độc Grenouille.
Có thể gọi tiểu thuyết Mùi hương của Patrick Suskind là một cuốn sách của Mùi – những thứ mùi lịch sử, tái hiện một Paris thực tế của thế kỷ 18, với đầy những thành phần hôi thối của nó. Mùi bao trùm lên toàn bộ không khí và diễn tiến của câu chuyện, ám ảnh lên mọi ngóc ngách cảm giác của con người.
Trong chỗ hôi thối nhất, bên cạnh nghĩa trang Mephitic và nằm dưới một gian hàng cá, người anh hùng của mùi hương, Jean-Baptiste Grenouille được sinh ra. Nhưng điều kỳ diệu là hắn không có mùi gì cả. Hắn là một đứa trẻ mồ côi, mà ngay cả thứ mùi của một con người cũng ruồng bỏ hắn.
Mùi hương - Tác phẩm nổi tiếng của nhà văn Đức Patrick Suskind. |
Grenouille bị ám ảnh bởi mùi. Hắn nhận ra mùi của các loại đá và nước riêng biệt. Hắn có thể phân tách được hỗn hợp các loại mùi mà hắn gặp. Với hắn, mùi chính là đời sống, với đầy những hỗn hợp mùi. Và khi hắn cố gắng phân tách các dạng mùi ra, cuộc đời càng lộ rõ những trần trụi, bẩn thỉu và dã man.
Mùi tạo nên sự thăng hoa tuyệt đỉnh, cũng là ngọn nguồn của những tội ác tuyệt đỉnh. Nêu xem xét dưới góc độ cái ác, Grenouille là một kẻ độc ác, khi hắn đã giết chết 25 người một cách dã man, với thái độ dửng dưng lạnh lùng.
Nhưng Grenouille trong Mùi hương, không thể khiến người đọc cảm thấy tội ác. Bởi Grenouille hoàn toàn vô tính, anh ta không quan tâm đến thức ăn hay cái đẹp hay sự thoái mái. Anh ta chỉ quan tâm đến mùi hương.
Khi anh ta giết người, không phải anh ta đang tìm kiếm cảm giác cá nhân, nó chỉ đơn thuần là một phương tiện để tăng mùi hương mà hắn đang khao khát sáng chế ra. Nếu đi đến tận cùng, hoàn toàn có thể xem đây là một hành động đam mê, một đam mê cuồng loạn, tận cùng, bất chấp tất thảy. Trong thế giới của hắn, không tồn tại con người. Thế giới ấy chỉ có mùi hương.
Grenouille sinh ra giữa cái bẩn thỉu và xấu xa (từ cuộc đời lẫn con người), hắn không có mùi hương, và trừ cái tác động vô nghĩa vào thị giác, hắn không tồn tại. Hắn không nhìn sự vật bằng mắt nữa, phải chăng vì đôi mắt người đời bảo hắn có ở đấy, nhưng thật ra là dối trá không?
Hắn ngửi, hắn cảm nhận sự hiện diện của vạn vật bằng mùi hương. Hắn phải tồn tại. Nếu không có được của riêng mình, hắn sẽ thay Chúa Trời, tạo cho mình bất kỳ sự tồn tại nào hắn muốn. Hắn có thể là bất cứ ai nếu biết cách ăn cắp hoặc giả tạo mùi hương của kẻ đó. Hắn thành công, hắn hơn cả Chúa Trời.
Và ở cái giây phút cuối cùng trên đỉnh vinh quang, khi đã thu tóm cho mình thứ mùi hương tuyệt diệu nhất, cũng là sự tồn tại vĩ đại nhất, khi đã bước ra thế giới loài người, khi loài người quỳ phục dưới chân hắn, hắn bỗng căm ghét cả thế gian này.
Phiên bản điện ảnh của tác phẩm ra đời năm 2006 gây tiếng vang lớn. |
Giữa cái đỉnh cao ấy, có lẽ lần đầu tiên hắn ý thức được sự cô độc tận cùng của của mình. Hắn đi mãi, đi mãi để tìm về cái nơi hôi thối nghèo khổ mà mình đã sinh ra, để rồi trút tất cả lọ nước hoa lên người, để mặc cho những kẻ lao cùng bần tiện kia cấu xé đến không còn một mảnh xương nào.
Grenouille biến mất khỏi thế gian này như chưa từng tồn tại. Một cái kết thực sự hủy diệt, sự hủy diệt tỏa sáng đến chói mắt và được thăng hoa bằng cái đẹp của hương thơm.
Ngôn ngữ văn chương của Mùi hương dửng dưng và lạnh lẽo, vô cảm đến tận cùng, để mô tả cái trần trụi của câu chuyện. Thế nhưng chính những con chữ “vô cảm” ấy lại đánh vào cảm xúc người ta mạnh mẽ nhất, đó là sự cô độc tận cùng, trở thành nỗi sợ hãi, nỗi ám ảnh khôn nguôi.
Cả một cuộc hành trình từ khi Grenouille sinh ra đến khi hắn bị cắn xé đến chết trong thứ hương thơm tuyệt cùng ấy có lẽ cũng chỉ để khẳng định hắn đã từng tồn tại trên thế giới này mà thôi.
Mùi hương là một tổng hòa của nghệ thuật, cái đẹp, cái điên loạn, sự đen tối bẩn thỉu, sự thăng hoa rực rỡ. Sự hiện diện của “Mùi hương” là sức ám ảnh ma mị đến ngột ngạt, mê đắm mà run rẩy. Patrick Suskind đã đưa người đọc đến với cái thế giới phù phiếm – “vương quốc phù du của hương thơm”, để từ đó cất lên tiếng nói đầy cay đắng về sự tồn tại của con người trong xã hội này.