Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cái chết là một chức phận của linh hồn

"Khi tôi nằm chết" đã tái dựng nên một thế giới bi thảm, đầy những ẩn ức, bóng tối, mất mát, hủy hoại, tan rã, nhưng cũng chan chứa lòng bao dung và sự kiên cường.

Trung tâm của câu chuyện xoay quanh cái chết và việc chôn cất Addie Bundren, vợ của một người đàn ông ích kỷ, lười biếng Anse Bundren, và năm người con đã trưởng thành.

Ban đầu, cái chết của Addie tưởng như là cuộc xung đột chính của cuốn sách, nhưng có lẽ xung đột thực sự chính là trong quan hệ giữa các cá nhân với nhau trong gia đình. Điều này đã dần bộc lộ trong suốt cuộc hành trình đưa quan tài của bà Addie về Jefferson đi chôn cất, theo di nguyện của bà.

Có rất nhiều người kể chuyện trong tác phẩm, trong đó có lẽ nổi bật là hai nhân vật Darl và Jewel, đã cung cấp những thông tin, tình cảm đáng tin cậy. Trong khi đó có một số nhân vật kể không nằm trong tuyến tính thời gian, và điều này khiến cho việc đọc cuốn tiểu thuyết trở thành một trò chơi với những thông tin được tung hứng mà độc giả có lẽ rất dễ bị trượt ra khỏi mạch truyện.

Ve cuon Khi toi nam chet anh 1

Logic siêu thực của cuốn tiểu thuyết, trong đó nổi tiếng nhất là chương Mẹ tôi là một con cá, là một câu duy nhất trong phần “nội tâm” của Vardaman, thực sự thú vị. Nó tạo nên một không khí nửa mơ nửa thực, với những ranh giới được xóa mờ. Nó gợi nhắc về không khí trong nhiều tác phẩm của Herman Hesse, đặc biệt là trong Sói thảo nguyên.

Nói đến thế giới của Faulkner là nói đến thế giới của những biểu tượng sống động hòa lẫn với hiện thực nghiệt ngã, của những vết thương tinh thần đồng vọng cùng những xáo trộn đời sống. Thế giới ấy đã tự chọn cho mình trung tâm là nhân vật.

Qua nhân vật và bằng nhân vật, tác giả thể hiện được cả tư tưởng và sự phản ánh thế giới. Nội tâm và sự trần tình của nhân vật chính là nơi mà tính hình tượng và hiện thực có thể cùng tồn tại và soi chiếu lẫn nhau. Nhân vật thực sự là yếu tố mà Faulkner đã đưa vào đó rất nhiều tâm sức, nó cho thấy cái tài lẫn cái tâm của ông trong việc sáng tạo con người.

Việc đi sâu vào tâm thức của các nhân vật bằng hệ thống ngôn ngữ của dòng ý thức đã giúp Faulkner khai phá được những ẩn ức sâu thẳm bên trong của mỗi nhân vật, đặt những vết thương, những khuyết tật, những đau đớn, mất mát, tàn bạo của mỗi nhân vật soi chiếu vào trong nhau, để trăn trở bày biện và cất lên những tiếng nói tha thiết về đời sống này.

Thông qua cuộc hành trình của gia đình Bundren, Faulkner viết một cuộc hành trình của sự tan rã và hủy hoại đầy khắc nghiệt, đặt nhân vật vào những cuộc thử thách khủng khiếp, để mỗi nhân vật đều được thể hiện cá tính đặc sắc ấn tượng của mình.

Nhưng cái kết bi thương sau cuộc hành trình tưởng chừng là định mệnh mà Darl đã lo sợ từ khi bắt đầu là một vết thương có lẽ sẽ không bao giờ lành đối với mỗi thành viên trong gia đình Bundren. Cuối cùng xác chết cũng đã chôn, Anse cũng có bộ răng mới, Cash chỉ còn một cái chân, Darl bị đưa đến trại tâm thần Jackson, Dewey Dell không biết sẽ ra sao với cái bào thai, Vardaman thì có chuối ăn và nhận ra nhiều điều trong vị trí thân phận nhà nghèo của mình. Một cuối cùng báo động tan rã.

Ve cuon Khi toi nam chet anh 2
Văn hào William Faulkner.

Và sự xuất hiện của nhân vật người phụ nữ bí ẩn chỉ được biết đến qua lời giới thiệu của Anse “Bà Bundren mới” ở cuối tác phẩm khi cuộc hành trình đã chấm dứt lại như một sự “mở nút” mở ra một cuộc sống khác đi, để kết liễu một kết thúc đau lòng.

Với hình ảnh nhân vật thay thế cho bà Addie này, phải chăng Faulkner muốn nhấn mạnh một điều “đôi khi sự xuất hiện của một nhân tố mới trong một gia đình vốn dĩ có dấu hiệu rạn nứt sẽ tạo ra một phép nhiệm mầu chữa lành vết thương về mặt thể xác lẫn tâm hồn cho họ?”

Đó có lẽ là cái bao dung, nhân hậu mà mỗi nhà văn đều khao khát được đưa độc giả đến đó?

Trong tác phẩm của mình, Faulkner cũng đã đưa ra những suy tư rất sâu sắc về cái chết. Thông qua lời độc thoại nội tâm của nhân vật Peabody: “Tôi nhớ khi tôi còn trẻ tôi tin rằng chết là một hiện tượng của thân thể; bây giờ tôi biết nó chỉ là một chức phận của linh hồn - và chức phận linh hồn của những người chịu cảnh mất người thân. Những kẻ hư vô chủ nghĩa nói nó là kết thúc, những kẻ chính thống chủ nghĩa nói nó là khởi đầu; trong khi thật ra nó không hơn một kẻ tá điền đơn độc hay một gia đình rời khỏi một đất đai hay một thị trấn.”

Nó như là một ý niệm sau cùng của một cuộc trải nghiệm, khởi hành và kết thúc, rồi lại tiếp tục vòng tròn của những khởi hành và kết thúc khác. Cuộc sống chưa bao giờ ngừng lại. Chỉ có những cuộc đời đến hạnh định, và những cuộc đời xoay quanh hạn định ấy mà thôi.

Khi tôi nằm chết là một trong tứ đại kỳ thư của tiểu thuyết gia nổi tiếng William Faulkner cùng với Âm thanh và cuồng nộ (The Sound and the Fury – 1924); Nắng tháng tám (Light in August – 1932); và Absalom, Absalom! (1936). Cuốn tiểu thuyết ấy được dựng theo một kỹ thuật viết mới, biểu hiện hơn là kể, xoá nhoà thời gian, khơi gợi tiềm thức, độc thoại nội tâm, đa giọng điệu, đa điểm nhìn.

William Faulkner được xem là nhà văn mang nhiều tố chất “Mỹ” nhất trong văn học xứ cờ hoa và là một trong những cây bút hàng đầu của văn học thế giới, được trao giải Nobel năm 1949. 

'Ngàn cánh hạc': Đàn bà, nhục cảm và hư ảo

Nỗi bi thương trong tiểu thuyết của Kawabata dường như đã trở thành một dạng tín ngưỡng, thấm đẫm, nhuần nhuyễn và bao trùm.


Phong Linh

Bạn có thể quan tâm