Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Mục tiêu tăng trưởng 6,7% xa nhưng không phải không thể với tới'

Các chuyên gia cho rằng dự báo tăng trưởng kinh tế của ADB sẽ khả thi nếu Chính phủ đảm bảo được tiêm vaccine diện rộng và thực hiện tốt một số giải pháp.

Theo Báo cáo Triển vọng phát triển châu Á được công bố cuối tháng 4, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2021 là 6,7% và đến tháng 4/2022 là 7%.

Tại tọa đàm “Những chiến lược mới trong chống dịch và phát triển kinh tế” chiều 26/5, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho rằng dự báo này được đưa ra trước dịch tái bùng phát, do đó có thể khó đạt được bởi quá trình phục hồi tăng trưởng sẽ trở nên khó khăn hơn.

Ông Vũ Tiến Lộc phân tích dư địa của chính sách tài khóa, tiền tệ đã bị thu hẹp, nguồn lực này đang được tập trung để chống chịu, ứng phó với Covid-19. Khả năng chống chịu của các doanh nghiệp cũng đang yếu đi.

Những thách thức của bối cảnh mới

Ông Nguyễn Sỹ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, cũng nhận định những phương thức chống dịch trước đây đang trở thành thách thức bởi Việt Nam đang đi sau trong tạo miễn dịch cộng đồng.

"Chỉ có thể thắng cuộc chiến này nếu chúng ta có được một chương trình tiêm chủng đạt hiệu quả càng nhanh càng tốt. Đây là điều kiện tiên quyết để bảo vệ sức khỏe, đời sống của nhân dân, tạo khuôn khổ, tạo môi trường phát triển kinh tế. Điều đó rất quan trọng và phải là ưu tiên số một của Chính phủ vào thời điểm này", ông Nguyễn Sỹ Dũng nhấn mạnh.

tang truong 6, 7% anh 1

Các chuyên gia tại buổi tọa đàm. Ảnh: VGP/Quang Hiếu.

Theo ông, sự phát triển về tiêm chủng trong năm nay cũng sẽ giúp Việt Nam duy trì lợi thế ổn định về chính trị, kinh tế, xã hội, từ đó tiếp tục là điểm đến của quá trình dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu.

Ông Vũ Tiến Lộc đánh giá cao tinh thần của Chính phủ trong giai đoạn hiện nay là chủ động, tích cực và tăng khả năng thích ứng, chống chịu và sống chung với dịch. "Việc chủ động tấn công, đảm bảo hài hòa giữa tấn công và phòng vệ là chiến lược cần thiết và không thể có sự lựa chọn thích hợp hơn", ông khẳng định.

"Nếu chúng ta kiểm soát được dịch Covid-19, mục tiêu tăng trưởng 6,7% tất nhiên là xa nhưng không có nghĩa là chúng ta không với tới", ông Lê Thanh Vân, Đại biểu quốc hội khóa XIII, XIV khẳng định.

Những giải pháp cần thiết

Khuyến nghị đến Chính phủ, ông Lê Thanh Vân cho rằng cần rà soát 5 nhóm giải pháp, vấn đề. Thứ nhất, cần rà soát các trở ngại trong cải cách bộ máy, phân công nhiệm vụ chức năng giữa các tổ chức nhà nước ở Trung ương và địa phương sao cho các khâu đều liên thông chặt chẽ.

Thứ hai, xem xét các quy định về đầu tư công nhằm loại bỏ điểm nghẽn trong các đạo luật, nghị định, văn bản hướng dẫn, giúp các cấp, ngành, địa phương và doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn, giải phóng mặt bằng trong thời gian ngắn và chuyển biến mạnh mẽ trong thực hiện đầu tư công trung hạn.

Đột phá về nhân sự chính là đột phá vào chủ thể của tất cả các hoạt động sáng tạo và làm chủ nền kinh tế

Ông Lê Thanh Vân, Đại biểu quốc hội khóa XIII, XIV

Thứ ba, rà soát các điểm nghẽn trong chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ để khơi thông các dòng vốn, huy động tối đa nguồn lực cho xây dựng và phát triển đất nước.

Thứ tư là rà soát các quy định về trách nhiệm của người đứng đầu, đặc biệt là đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong việc trọng dụng hiền tài, bảo vệ người dám nghĩ dám làm. "Đột phá về nhân sự chính là đột phá vào chủ thể của tất cả các hoạt động sáng tạo và làm chủ nền kinh tế", ông Lê Thanh Vân nhấn mạnh.

Cuối cùng, ông cho rằng cần rà soát các công trình xếp theo thứ tự ưu tiên, có thể thu hẹp phạm vi các công trình trọng điểm nhưng tập trung về nguồn lực, làm theo lộ trình và trong nhiệm kỳ này có thể quyết tâm làm được hàng nghìn km cao tốc, kết nối, tạo ra xung lực mới làm nền tảng cho đổi mới căn bản về hạ tầng.


Kết hợp giữa phòng ngự và tấn công

"Tăng cường khả năng chống chịu của doanh nghiệp là rất quan trọng để tăng cường khả năng chống chịu của nền kinh tế. Bên cạnh vaccine y tế, cần có một vaccine về thể chế, cấu trúc của doanh nghiệp và một hệ thống chính sách hợp lý của Nhà nước yểm trợ cho việc hình thành một mô hình tăng cường khả năng chống chịu", ông Vũ Tiến Lộc khẳng định.

Chủ tịch VCCI cũng nhìn nhận làn sóng dịch chuyển các chuỗi cung ứng sang Việt Nam đang chững lại, nhưng triển vọng về trung và dài hạn vẫn tốt. Đó là nhờ sự ổn định về chính trị xã hội, khả năng kiềm chế dịch bệnh, khả năng chống chịu của nền kinh tế, và những cơ hội mở cửa thị trường, cải cách thể chế thông qua hàng loạt hiệp định thương mại tự do.

Tăng cường khả năng chống chịu của doanh nghiệp là rất quan trọng để tăng cường khả năng chống chịu của nền kinh tế

Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc

Đồng thời, cơ hội về thị trường trong nước cũng lớn với những lợi thế về địa kinh tế, địa chính trị, bên cạnh sự bùng nổ của tầng lớp tiêu dùng trung lưu trong một nền kinh tế đang phát triển nhanh.

Dù vậy, ông Nguyễn Sỹ Dũng vẫn nhấn mạnh vai trò của công nghiệp hóa và doanh nghiệp đầu đàn trong bối cảnh hiện nay. "Nếu chúng ta hoàn toàn phụ thuộc nước ngoài thì chúng ta không thể làm chủ tương lai công nghiệp của chúng ta được", ông nói.

"Tôi tin những nỗ lực của Chính phủ và cả hệ thống chính trị trong việc thực hiện chiến lược phòng chống dịch bệnh và phát triển kinh tế song hành, kết hợp hài hòa giữa phòng ngự và tấn công, tăng cường chủ động, áp dụng những hình thức linh hoạt để phát triển kinh tế trong thời kỳ bình thường mới", ông Lộc nói.

"Đó chính là những định hướng giúp chúng ta sớm vượt qua đại dịch và lấy lại sức hấp dẫn về đầu tư nước ngoài cũng như đà tăng trưởng", ông Vũ Tiến Lộc khẳng định.

Bắc Giang lập kế hoạch khởi động lại khu công nghiệp bị phong tỏa

Tỉnh Bắc Giang vừa có kế hoạch tổ chức lại hoạt động sản xuất cho doanh nghiệp trong các khu công nghiệp Đình Trám, Quang Châu, Song Khê - Nội Hoàng, Vân Trung.

Lan Anh

Bạn có thể quan tâm