"Tiêu dùng nội địa giảm sút và nhu cầu toàn cầu suy yếu do dịch Covid-19 đã ảnh hưởng tới nền kinh tế Việt Nam nghiêm trọng hơn dự kiến", ông Andrew Jeffries - Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam - cho biết. Tuy nhiên, ADB nhận định triển vọng kinh tế của Việt Nam trong trung hạn và dài hạn vẫn rất tích cực.
Nền kinh tế Việt Nam sẽ duy trì tăng trưởng dương trong năm 2020 và phục hồi mạnh mẽ vào năm 2021.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam giảm mạnh từ 3,7% trong quý I/2020 xuống còn 0,4% vào quý II, kéo tốc độ tăng trưởng 6 tháng đầu năm 2020 xuống còn 1,8%, mức thấp nhất kể từ năm 2011, theo báo cáo Cập nhật Triển vọng Phát triển Châu Á (ADO) 2020, ấn bản kinh tế thường niên hàng đầu của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB).
Tiêu dùng nội địa và nhu cầu toàn cầu suy yếu là trở ngại lớn đối với quá trình phục hồi kinh tế. Ảnh: Nikkei Asian Review. |
Tiêu dùng suy yếu
Tăng trưởng suy giảm khiến nhiều doanh nghiệp đóng cửa, hàng trăm nghìn người lao động mất việc làm. Trong 8 tháng đầu năm 2020, gần 34.300 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, tăng 71% so với cùng kỳ năm trước. Thu nhập cá nhân bình quân giảm 5,1% vào nửa đầu năm 2020 so với cùng kỳ năm 2019.
ADB cảnh báo dại dịch Covid-19 sẽ tiếp tục đẩy hàng trăm nghìn người Việt Nam vào cảnh thất nghiệp. Một nghiên cứu chung của Tổ chức Lao động Quốc tế và ADB dự báo 548.000 người lao động trẻ của Việt Nam mất việc làm nếu đại dịch tiếp tục kéo dài. Ngay cả khi dịch bệnh được kiềm chế hiệu quả, con số này vẫn lên đến 370.000 người.
Thu nhập sụt giảm kéo theo tiêu dùng nội địa bị ảnh hưởng. Theo báo cáo của ADB, tăng trưởng tiêu dùng tư nhân giảm từ 7,2% trong 6 tháng đầu năm 2019 xuống chỉ còn 0,2% nửa đầu năm 2020. Doanh số bán lẻ tháng 8 giảm 2,7% so với tháng trước, doanh số bán lẻ 8 tháng đầu năm giảm 0,02% so với cùng kỳ năm trước.
Theo các chuyên gia tại ADB, thặng dư thương mại 7 tháng đầu năm đạt mức cao kỷ lục. Nhưng nguyên nhân chủ yếu là nhập khẩu giảm mạnh trong khi xuất khẩu tăng nhẹ. Trên thực tế, nhập khẩu giảm mạnh cho thấy tín hiệu đáng lo ngại hơn. Điều này có nghĩa là tiêu dùng nội địa và sản xuất giảm.
Tăng trưởng suy giảm khiến nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ phải đóng cửa. Ảnh: Duy Hiếu. |
Tiêu dùng nội địa được dự báo tiếp tục ở mức thấp. Mặc dù doanh số bán lẻ có phục hồi trong tháng 7, tiêu dùng sẽ bị kìm hãm bởi thu nhập hộ gia đình và doanh nghiệp giảm, tỷ lệ thất nghiệp gia tăng và thêm nhiều doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động.
Theo báo cáo của ADB, triển vọng đầu tư cũng không đồng đều, đầu tư tư nhân vẫn yếu và đầu tư nước ngoài liên quan đến thương mại tiếp tục giảm. Tuy nhiên, việc đẩy nhanh đầu tư công trong 6 tháng cuối năm 2020 sẽ bù đắp cho những điểm yếu này.
Sang năm 2021, đầu tư có thể được đẩy mạnh nhờ cải thiện giải ngân đầu tư công, hoạt động sản xuất tiếp tục chuyển hướng từ Trung Quốc sang Việt Nam, kinh tế Trung Quốc phục hồi và hiệp định thương mại tự do với Liên minh châu Âu đi vào thực hiện.
Bảo vệ người lao động là mục tiêu hàng đầu
Trả lời phỏng vấn Zing, ông Nguyễn Minh Cường, chuyên gia kinh tế của ADB tại Việt Nam, nhận định với cuộc khủng hoảng kép lần này, điều quan trọng nhất là tập trung vào sinh mạng và sinh kế, tức là tập trung ngăn chặn dịch bệnh, bảo vệ doanh nghiệp và việc làm của người lao động.
"Cần tăng tốc giải ngân các gói kích thích tài khóa, nhất là hỗ trợ doanh nghiệp, ngăn chặn việc giải thể và phá sản. Tình trạng doanh nghiệp phá sản càng nhiều thì động lực tăng trưởng càng bị thu hẹp. Ngoài ra, hỗ trợ người lao động, đảm bảo công ăn việc làm và thu nhập cũng giúp kích thích tiêu dùng nội địa, một động lực quan trọng của tăng trưởng kinh tế", ông nhấn mạnh.
Để bảo vệ doanh nghiệp và người lao động, ngân hàng nhà nước đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng thông qua tái cơ cấu nợ, giảm lãi suất cho khoản vay hiện hữu và cấp khoản vay mới với lãi suất ưu đãi.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam với vai trò ngân hàng trung ương đã cắt giảm lãi suất chính sách hai lần vào tháng 3 và tháng 5. Tuy nhiên, tăng trưởng tín dụng vẫn chậm lại từ 13,4% vào thời điểm cuối tháng 6/2019 xuống còn 9% trong cùng kỳ năm nay.
Trong cuộc khủng hoảng hiện tại, một trong những vấn đề lớn nhất là khả năng tiếp cận vốn của các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Ảnh: Chí Hùng. |
Theo ADB, hoạt động cho vay sẽ tiếp tục yếu mặc dù ngân hàng trung ương đã áp dụng những biện pháp hỗ trợ. Về phần mình, các ngân hàng có thể không muốn nới lỏng tiêu chuẩn cho vay để chấp nhận bảng cân đối kế toán yếu hơn của doanh nghiệp, do lo ngại gia tăng nợ xấu khi kết thúc thời hạn tái cơ cấu khoản vay.
Nhu cầu tín dụng từ phía doanh nghiệp cũng giảm, đi đôi với lượng cầu thấp đối với các sản phẩm và dịch vụ của doanh nghiệp. Do đó, tín dụng ngân hàng được dự báo chỉ tăng 10% trong năm nay, thấp hơn nhiều so với mục tiêu tăng trưởng năm 14% của ngân hàng trung ương.
Theo ông Nguyễn Minh Cường, thực chất hệ thống ngân hàng đã hoạt động rất tốt và hiệu quả trong cuộc khủng hoảng này. Tuy nhiên, không thể ép ngân hàng cho vay. Việc giãn nợ chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến vấn đề nợ xấu, dẫn đến rủi ro cho sức khỏe của hệ thống ngân hàng.
"Vì vậy, theo tôi, cần cân nhắc các cơ chế bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đây là vấn đề nhỏ trong cuộc khủng hoảng lớn này. Tuy nhiên, về lâu dài, các doanh nghiệp tư nhân tư nhân có đóng góp quan trọng trong tăng trưởng kinh tế Việt Nam", ông Cường bình luận với Zing.
ADB nhận định đại dịch Covid-19 kéo dài trên toàn cầu là nguy cơ lớn nhất đối với triển vọng tăng trưởng của Việt Nam trong năm nay và năm sau. Tuy nhiên, triển vọng kinh tế của Việt Nam trong trung hạn và dài hạn vẫn rất tích cực. Việc Việt Nam tham gia một số lượng lớn các hiệp định thương mại song phương và đa phương sẽ giúp thúc đẩy quá trình phục hồi.