Hàng triệu du khách nước ngoài, người hâm mộ thể thao và phóng viên sẽ tới Pháp trong vài ngày tới để tham dự bữa tiệc bóng đá Euro 2016. Thực trạng ấy tạo nên cơn ác mộng vô tận đối với các lực lượng an ninh vốn đang quá tải.
“Về phương diện chuẩn bị, chúng tôi đã cố gắng ở mức tối đa. Chúng tôi đã huy động mọi lực lượng như cảnh sát, dân quân, binh sĩ chính quy. Nhưng, thực lòng mà nói, tôi vẫn lo lắng”, một quan chức chống khủng bố giấu tên nói với AFP.
Mối lo khủng bố bao trùm nước Pháp
Hôm 5/6, Tổng thống Pháp Francois Hollande thừa nhận nguy cơ khủng bố dù ông tỏ ra tự tin.
“Mối họa khủng bố sẽ tồn tại trong thời gian dài. Vì thế chúng tôi phải áp dụng mọi biện pháp để bảo đảm Euro 2016 sẽ thành công”, ông nói với đài phát thanh France Inter.
Lực lượng an ninh diễn tập ứng phó với tình huống đánh bom tự sát tại sân vận động Lyon, miền trung nước Pháp, ngày 7/6. Ảnh: Getty |
Chính phủ của ông Hollande từng ban bố tình trạng khẩn cấp sau loạt vụ khủng bố liên hoàn ở thủ đô Paris hồi tháng 11 năm ngoái, cho phép cảnh sát lục soát nhà dân và quản thúc các nghi phạm tại nhà.
Tuy nhiên, việc giám sát những người trở về từ Syria và Iraq, hay những người dùng hộ chiếu giả hoặc trà trộn vào dòng người di cư để xâm nhập châu Âu là nhiệm vụ quá lớn đối với lực lượng an ninh của cả châu Âu, chứ không chỉ riêng nước Pháp.
Đối tượng đáng lo ngại nhất là những phần tử thánh chiến đang ở châu Âu, chẳng hạn như những người ở Đức. Giới chức Pháp không thể theo dõi quá trình những phần từ đó vào châu Âu.
"Họ chỉ việc im lặng và chờ đợi cơ hội. Chúng tôi đã tái lập một số trạm kiểm soát ở biên giới, nhưng chúng tôi vẫn không thể yên tâm, bởi không ai có thể hoàn toàn quản lý biên giới”, vị quan chức giấu tên nói.
Một biến cố xảy ra cách Pháp vài nghìn km hồi tháng 5 cũng khiến tâm trạng lo lắng tăng lên.
Ngày 13/5, tại thị trấn ở phía bắc thủ đô Baghdad của Iraq, phiến quân tấn công một quán cà phê vốn là nơi các cổ động viên câu lạc bộ bóng đá Real Madrid tụ tập. Chúng sát hại 16 người bằng tiểu liên tự động và lựu đạn.
“Vụ thảm sát ấy giống như tấm bưu thiếp bọn khủng bố gửi tới Euro 2016. Đó là một thông điệp trực tiếp. Có lẽ mục đích của các phần tử thánh chiến là dọa chúng tôi và trong trường hợp này chúng đã thành công”, vị quan chức thừa nhận.
Mối lo tăng lên hôm 7/6, khi lực lượng an ninh Ukraine thông báo họ bắt một công dân Pháp với rất nhiều vũ khí, thuốc nổ. Người đàn ông này bị bắt khi đang lên kế hoạch thực hiện 15 vụ tấn công với hơn 200 kg thuốc nổ TNT trước và trong quá trình Euro 2016 diễn ra.
Rất nhiều "mục tiêu mềm"
“Chúng tôi biết IS muốn thực hiện những cuộc tấn công mới và rõ ràng chúng coi Pháp là mục tiêu”, Patrick Calvar, giám đốc cơ quan tình báo nội địa DGSI của Pháp, từng nói trước quốc hội như vậy.
Giới chức Pháp huy động một lực lượng khổng lồ gồm 90.000 cảnh sát và nhân viên an ninh để bảo vệ 10 sân vận động phục vụ các trận đấu trong khuôn khổ Euro 2016 trên khắp đất nước. Khoảng 10.000 binh sĩ cũng đảm nhận nhiệm vụ bảo vệ các trận đấu bóng đá.
“Mục tiêu của chúng tôi là Euro 2016 trở thành sự kiện vui, nhưng chúng tôi vẫn phải nói sự thật với người dân Pháp. Sự cẩn thận ở mức 100% không đồng nghĩa với việc rủi ro sẽ không xảy ra”, Bộ trưởng Nội vụ Pháp Bernard Cazeneuve bình luận.
Các địa điểm nổi tiếng ở thủ đô Paris của Pháp được bảo vệ chặt chẽ đề phòng bị tấn công khủng bố. Ảnh: Getty |
Lực lượng an ninh sẽ bảo vệ và giám sát nghiêm ngặt các khu vực mà người hâm mộ tập trung, các sân vận động. Song mối họa lớn hơn có thể tồn tại ở những khu vực tiếp giáp chúng.
Loạt vụ thảm sát ở Paris ngày 13/11 năm ngoái khiến 130 người chết cho thấy tấn công ngẫu nhiên vào những "mục tiêu mềm" như quán bar, nhà hàng. Đây cũng là cách hiệu quả để gieo rắc tâm trạng sợ hãi.
“Không việc gì đơn giản hơn tổ chức một cuộc tấn công. Bạn bảo vệ 1.000 mục tiêu và bọn khủng bố nhằm vào mục tiêu thứ 1.001. Lái một chiếc ôtô và xả súng vào người trên đường là hành vi khủng bố mà ai cũng có thể thực hiện”, Pascal Boniface, giám đốc Viện Quan hệ Quốc tế và Chiến lược tại thành phố Paris, bình luận.
Trong bối cảnh hiện nay, một cuộc tấn công quy mô nhỏ hay thậm chí âm mưu tấn công cũng có thể khiến giải đấu Euro 2016 sụp đổ.
“Ba phần tư đội bóng nước ngoài sẽ rời khỏi Pháp ngay lập tức nếu ai đó chết vì hành động khủng bố. Và nếu IS nhận trách nhiệm về một vụ tấn công và tuyên bố chúng sẽ tiếp tục tấn công, mọi người sẽ rời nước Pháp. Làm sao chúng ta có thể tiếp tục bữa tiệc bóng đá trong khi chúng ta chôn các nạn nhân khủng bố?”, vị quan chức giấu tên bình luận.