Khi khán giả rời sân vận động Lyon sau trận đấu giữa Bắc Ireland và Ukraine, hai kẻ đánh bom liều chết kích hoạt khối thuốc nổ mang trên người giữa đám đông. Nhiều người chết và bị thương cùng đám đông hoảng sợ sau vụ nổ. Cảnh sát lập tức xuất hiện để sơ tán khán giả tới nơi an toàn và sơ cứu những người bị thương, Guardian đưa tin.
Tạo khủng bố giả để đối phó khủng bố thật
Tình huống trên là một trong ít nhất 30 kịch bản "ngày tận thế" mà cảnh sát và lực lượng an ninh Pháp lập ra để rèn luyện khả năng phản ứng nhanh trong thảm họa. Các vụ tấn công giả được tổ chức trên khắp nước Pháp trước thềm giải bóng đá Euro 2016 nhằm đảm bảo an ninh và an toàn cho sự kiện thể thao lớn nhất châu lục.
Lực lượng an ninh Pháp diễn tập chống khủng bố trước thềm Euro 2016. Ảnh: Getty |
Theo dự tính, khoảng 2,5 triệu người sẽ tới Pháp để theo dõi các trận đấu trong khuôn khổ Vòng chung kết Euro 2016, dự kiến diễn ra trên 10 thành phố lớn của Pháp. Tuy nhiên, mối đe dọa từ các tổ chức khủng bố buộc Pháp phải huy động số lượng lớn nhân viên an ninh cùng kế hoạch đảm bảo an toàn quy mô bậc nhất trong các sự kiện thể thao gần đây.
Euro 2016 diễn ra 6 tháng sau chuỗi vụ khủng bố Paris làm 130 người thiệt mạng. Sân vận động Stade de France, nơi diễn ra trận khai mạc và trận chung kết Euro 2016, là một trong những địa điểm bị tấn công. Tuy nhiên, Tổng thống Pháp François Hollande, người có mặt trên khán đài trong trận giao hữu giữa Pháp và Đức, đã quyết định giấu thông tin về vụ khủng bố và không cho khán giả rời sân sau khi trận cầu kết thúc, ngăn khủng bố đạt mục đích sát hại nhiều người.
Trong suốt 2 tháng qua, lực lượng an ninh Pháp lặp đi lặp lại các bài tập nhằm đối phó với những kẻ đánh bom liều chết hoặc các vụ tấn công bằng vũ khí sinh, hóa học vào người hâm mộ. Loạt vụ tấn công đẫm máu trong năm 2015 đặt nước Pháp dưới bóng đen của các vụ khủng bố.
Hàng loạt thông tin tình báo cho thấy lực lượng tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS) và các tổ chức khủng bố khác chọn Pháp làm mục tiêu tấn công trong thời điểm diễn ra Euro 2016. Tuy nhiên, Bộ trưởng Nội vụ Pháp Bernard Cazeneuve nhấn mạnh: “Chúng tôi đang làm mọi thứ để ngăn chặn các vụ tấn công khủng bố và chuẩn bị sẵn sàng các bước đối phó trong trường hợp khủng bố xảy ra”.
Dù nhà chức trách chưa phát hiện âm mưu tấn công cụ thể nào, mối nguy từ khủng bố vẫn được đặt lên hàng đầu. Một công dân Pháp cũng vừa bị bắt giữ ở biên giới Ukraine – Ba Lan với nhiều vũ khí và chất nổ. Cảnh sát Ukraine buộc tội người đàn ông này âm mưu tấn công khủng bố trong dịp trước và trong Euro 2016. Tuy nhiên, cảnh sát Pháp không tìm thấy bằng chứng cho thấy công dân bị bắt giữ có liên quan tới khủng bố mà nghi ngờ y là kẻ buôn lậu vũ khí.
Hiện tại, Pháp vẫn trong tình trạng khẩn cấp, được lập sau chuỗi vụ khủng bố làm 130 người thiệt mạng tháng 11/2015. Dự kiến tình trạng này sẽ kéo dài tới cuối tháng 7, sau khi Euro 2016 và giải đua xe đạp lừng danh Tour de France kết thúc. Tình trạng khẩn cấp cho phép cảnh sát Pháp khám xét mà không cần lệnh của tòa.
Nỗ lực chống khủng bố quy mô lớn
Theo nhà chức trách, 90.000 nhân viên an ninh được triển khai cho Euro 2016, bao gồm 42.000 cảnh sát, 30.000 hiến binh và 10.000 binh sĩ. Họ sẽ đảm trách nhiệm vụ tuần tra trên khắp nước Pháp để chống khủng bố. Nó được gọi là Chiến dịch Sentinelle.
Cảnh sát vũ trang được huy động để đảm bảo an ninh tại các sân vận động. Ảnh: Getty |
Tại các sân vận động, các biện pháp an ninh đang được tăng cường nhằm khắc phục những vấn đề tương tự sự cố trong trận chung kết cúp quốc gia Pháp giữa Paris-Saint Germain và Olympique de Marseille hồi tháng trước. Theo chính phủ Pháp, khán giả muốn vào xem các trận bóng trong khuôn khổ Euro 2016 sẽ phải trải qua vòng khám người và kiểm tra giấy tờ tùy thân.
Cảnh sát vũ trang sẽ tuần tra tại trung tâm các thành phố, khu vực quảng trường hay sân bay trên khắp nước Pháp trong dịp diễn ra Euro 2016. Các khu vực dành riêng cho người hâm mộ (Fan Zone), nơi những người không có vé cùng thưởng thức bữa tiệc bóng đá trên các màn hình công cộng lớn, cũng được tăng cường bảo vệ.
Tại Fan Zone ở Paris, người ta lắp đặt màn hình khổng lồ dưới chân tháp Eiffel, cho phép 90.000 người hâm mộ cùng theo dõi các trận đấu. Nhà chức trách Pháp cảnh báo họ không chịu trách nhiệm bảo vệ những người hâm mộ xem bóng đá tại các điểm tự phát ngoài khu Fan Zone. Tuy nhiên, nhiều chính khách Pháp cho rằng các khu dành cho người hâm mộ là mục tiêu dễ dàng cho những kẻ khủng bố, làm mỏng lực lượng cảnh sát và cần được dẹp bỏ.
Theo các kết quả thăm dò, phần lớn người dân Pháp không muốn dẹp bỏ Fan Zone. Để đảm bảo an toàn, cảnh sát sẽ lắp đặt máy dò kim loại và máy quay giám sát ở các khu vực Fan Zone. Người hâm mộ không được mang ba lô, mũ bảo hiểm hoặc các biểu ngữ gây khó chịu vào khu vực dành riêng cho việc theo dõi các trận cầu, ông Michel Cadot, cảnh sát trưởng Paris, nhấn mạnh.
Ngoài vấn đề khủng bố, cảnh sát Pháp còn phải đương đầu với các cổ động viên quá khích hoặc đụng độ giữa những người hâm mộ. Nhằm hạn chế vấn đề này, khoảng 3.000 cổ động viên quá khích đã bị cấm nhập cảnh vào Pháp. Cảnh sát quốc tế sẽ góp mặt ở Pháp để ngăn chặn các phần tử quá khích. Một số trận đấu được đưa vào diện giám sát đặc biệt, chẳng hạn trận giữa các đội tuyển Anh và Nga; Đức và Ba Lan hay Thổ Nhĩ Kỳ và Croatia.