Chiều 28/12, tại buổi họp báo cung cấp thông tin về các vấn đề kinh tế - xã hội trên địa bàn, bà Nguyễn Hồng Hà - Phó Trưởng Phòng Lao động, Tiền lương, BHXH, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM - đã thông tin về tình hình thưởng Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024.
Theo bà Hà, đơn vị đã khảo sát 3.000 doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, hoạt động trên địa bàn TP.HCM để nắm bắt tình hình trả lương năm 2023 và kế hoạch thưởng Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024.
Bà Nguyễn Hồng Hà thông tin về tình hình thưởng Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024. Ảnh: Thành Nhân. |
Kết quả đánh giá cho thấy mức thưởng cao nhất thuộc các doanh nghiệp ngành điện tử - công nghệ thông tin; chế biến thực phẩm; phát triển phần mềm; thương mại. Các doanh nghiệp sản xuất quy mô nhỏ, sử dụng lao động giản đơn có mức thưởng thấp hơn.
Từ con số trên, đại diện Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM khẳng định mức thưởng Tết Dương lịch bình quân năm 2024 cao hơn so với kết quả khảo sát của năm 2023. Ngược lại, thưởng Tết Nguyên đán Giáp Thìn bình quân năm 2024 thấp hơn so với năm ngoái.
Lý giải nguyên nhân một số doanh nghiệp gặp khó trong việc thưởng Tết cho người lao động, bà Hà cho rằng hoạt động sản xuất, kinh doanh trong năm còn nhiều khó khăn, đơn hàng giảm, doanh nghiệp phải thu hẹp hoạt động, khó thu hồi công nợ, trả tiền lãi vay... Tuy nhiên, các đơn vị đã thông tin sớm cho người lao động biết và chia sẻ, đồng thời cố gắng chi thưởng Tết theo quy chế thưởng, thỏa ước lao động tập thể, hợp đồng lao động.
Ngoài ra, các doanh nghiệp có nhiều hình thức hỗ trợ cho người lao động như tặng quà Tết, phiếu mua hàng, lì xì, tổ chức xe đưa đón (hoặc hỗ trợ tiền tàu xe, tặng vé xe). Một số doanh nghiệp còn có kế hoạch tổ chức tất niên và thăm hỏi người lao động có hoàn cảnh khó khăn, tổ chức đón Tết cho người lao động xa quê.
Về thời gian nghỉ Tết Nguyên đán, trung bình các doanh nghiệp nghỉ 8-9 ngày, trong đó nhiều doanh nghiệp kết hợp bố trí giải quyết phép năm để người lao động có đủ thời gian về quê thăm gia đình.
Nhiều chính sách chăm lo cho người có công
Tại họp báo, bà Hà cũng có thông tin về công tác chăm lo cho gia đình chính sách, người có công trên địa bàn.
Cụ thể, TPHCM dự kiến dành 317.281 suất quà chăm lo cho diện chính sách có công với kinh phí hơn 413 tỷ đồng
Người trực tiếp tham gia chiến dịch Xuân Mậu Thân năm 1968 đang sinh sống tại TPHCM mức quà là 1.500.000 đồng/suất, khoảng 2.640 người, với kinh phí dự kiến là 3,9 tỷ đồng.
Quà thăm các đồng chí là cựu tù chính trị và tù binh chưa được hưởng chế độ chính sách có hoàn cảnh khó khăn theo danh sách của Ban Liên lạc Cựu tù chính trị và tù binh TPHCM, mức chi 1.200.000 đồng/suất, với số lượng 120 người.